Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Phải nghe người giỏi hơn mình
(Cadn.com.vn) - Khi Đà Nẵng triển khai các dự án, có nhiều luồng ý kiến đóng góp, nói ngược có, nói xuôi có, vậy lãnh đạo TP phải nghe ai? Phải nghe những người giỏi hơn mình. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ đã nhấn mạnh như vậy với đông đảo đội ngũ tri thức khoa học của Đà Nẵng tại Đại hội lần thứ V của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) TP Đà Nẵng sáng 17-3.
Liên hiệp hội Đà Nẵng hiện có hơn 12 ngàn hội viên với hơn 1.000 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ. Đây được coi là tổ chức tập hợp đông đảo nhất đội ngũ trí thức, khoa học của TP. Bí thư Thành ủy Trần Thọ đánh giá, tiếng nói của đội ngũ trí thức ngày càng được dư luận đồng tình, nhiều nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống, mang lại hiệu quả cao, được các tổ chức uy tín ghi nhận. Đặc biệt, với nhiệm vụ tư vấn phản biện, đây được coi là thế mạnh của Liên hiệp hội được Bí thư Thành ủy nhận xét là có nhiều khởi sắc. “Nếu không có những phản biện khoa học của Liên hiệp hội thì có lẽ thành phố đã gặp phải những sai lầm đáng tiếc, khó mà khắc phục. Nhiều phản biện khoa học của đội ngũ nhà khoa học, trí thức đã giúp lãnh đạo thành phố bình tĩnh nhìn nhận và khẳng định đóng góp đó là đúng” - đồng chí Trần Thọ nói.
Bí thư Thành ủy tặng bức trướng cho Liên hiệp hội, |
Dẫn chứng cho những phản biện này, đồng chí Trần Thọ kể về dự án cầu đi bộ qua sông Hàn, nhiều ý kiến bảo phải xây để tạo điểm nhấn kiến trúc, để thu hút du khách nhiều ý kiến lại bảo không xây vì không cần thiết, vì phức tạp giao thông, nhiều ý kiến lại bảo xây nhưng từ từ. Trong nhiều ý kiến đóng góp ai cũng có cái lý của mình, vậy lãnh đạo TP nghe ai, phải nghe người giỏi hơn mình, cụ thể ở đây là đội ngũ tri thức khoa học và quyết định dừng để nghiên cứu tiếp. Hoặc dự án ngọn hải đăng trên sông Hàn, có ý kiến cho rằng nên xây để tô điểm thêm vẻ đẹp cho sông Hàn, lại có ý kiến phản đối vì sẽ ảnh hưởng dòng chảy, vì dự án không đúng với tên gọi... Lãnh đạo TP phải ngồi lại để nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học, trí thức trong Liên hiệp hội. Thành phố nhận thấy rằng những phản biện đó là đúng, đã nghiêm túc tiếp thu, quyết định cho dừng dự án và đã nhận được sự đồng tình cao trong dư luận xã hội. Ngoài ra còn rất nhiều đề án, dự án khác của TP mà những phản biện khoa học của đội ngũ trí thức, khoa học trong Liên hiệp hội đã giúp lãnh đạo TP triển khai phù hợp, hiệu quả hơn. Chẳng hạn các đề án về nhân lực cao; đề án quy hoạch TP đến năm 2030, 2050; các đề án về du lịch, văn hóa, môi trường...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng mong muốn Liên hiệp hội phản biện xã hội nhiều hơn, tốt hơn để đóng góp cùng thành phố xây dựng, phát triển. Tuy vậy, việc phản biện phải khoa học, khách quan, công tâm, tin cậy và hiệu quả. Khí chất của người xứ Quảng trực tính, hay cãi nên việc phản biện cũng... từ từ, chứ một chủ trương, dự án vừa đưa ra đã phản biện gay gắt rất dễ rơi vào phản ứng. Bí thư Thành ủy cũng đặt kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ trí thức khoa học trong Liên hiệp hội và đưa ra 5 dự án lớn của Đà Nẵng để “đặt hàng” tư vấn, phản biện. Trước hết là phát triển chùm đô thị ven đồi Sơn Trà. Đà Nẵng đã khai thác tốt sông, biển, còn khu vực ven đồi Sơn Trà rất tiềm năng nhưng chưa khai thác được. Cần phải có những công trình, nhà ven đồi về đêm lung linh. Có những tòa cao ốc cũng phải có những căn nhà lưng chừng đồi, theo một vệt, nhìn thành phố sẽ cuốn hút hơn.
Một vấn đề phản biện khác mà đồng chí Trần Thọ “đặt hàng” đó là có mạnh dạn nâng cấp chợ Cồn, chợ Hàn để biến thành hai trung tâm thương mại tầm cỡ mà vẫn đảm bảo được các yếu tố truyền thống không? Với khu Công nghệ cao, khu CNTT, đồng chí Trần Thọ rất mong các nhà khoa học hiến kế để thu hút được nhiều nhà đầu tư tầm cỡ. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy rất muốn được đội ngũ trí thức, khoa học phản biện, hiến kế xây dựng Khu công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn. Đồng chí Trần Thọ nói, Bình Dương người ta không có núi phải xây dựng cả một hòn núi nhân tạo làm khu giải trí, rồi Suối Tiên (TPHCM) mỗi năm đón 6 triệu lượt du khách còn cả Đà Nẵng chưa đến 4 triệu. Trong khi Đà Nẵng có 5 ngọn núi rất đẹp, kỳ vĩ mà chưa khai thác được. TP đang quyết tâm thúc đẩy nhanh dự án công viên văn hóa tâm linh này và cũng tha thiết mong muốn các nhà tri thức khoa học phản biện để triển khai hiệu quả.
Bên cạnh các vấn đề về tư vấn phản biện, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận chính sách của Đà Nẵng đối với đội ngũ tri thức khoa học chưa thật thông thoáng. Song bên cạnh đó Liên hiệp hội cũng cần chủ động đề xuất, góp ý cho thành phố nhiều hơn, tránh hoạt động theo kiểu xuân thu nhị kỳ, nặng về báo cáo, giải quyết các vấn đề một cách tình thế. Đơn cử đã hơn một năm rưỡi thành phố có chủ trương khoán nghiên cứu khoa học nhưng tới nay nó vẫn nằm trên giấy. Mặt khác, Liên hiệp hội cũng phải có giải pháp phát triển để nơi đây thực sự là “mái nhà chung” của đội ngũ tri thức khoa học đúng nghĩa. Mái nhà thì đã có nhưng chưa thật hấp dẫn khi nhiều nhà khoa học giỏi vẫn chưa vào Liên hiệp hội. Bí thư Thành ủy cũng rất tâm đắc với ý kiến cho rằng trong tất cả các loại lãng phí, thì lãng phí chất xám là lớn nhất. Bí thư Thành ủy có cảm nhận như các đề tài nghiên cứu khoa học trong Liên hiệp hội được ứng dụng ở bên ngoài nhiều hơn là trong thành phố. Và đó có thể cũng là sự lãng phí.
Hải Quỳnh