Báo Công An Đà Nẵng

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: “Đừng lấy phiếu biểu quyết ra để xem đó là kết quả cuối cùng”

Thứ tư, 01/11/2017 09:15

“Cán bộ làm công tác tổ chức phải có đạo đức, trung thực, công tâm, khách quan, có bản lĩnh, tham mưu phải hết sức trách nhiệm, có chứng kiến, chính kiến, có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tổ chức và các ngành khác”, đó là yêu cầu của ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Hội nghị do Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 31-10.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, cụ thể là về đội ngũ cán bộ thành phố thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; trình độ năng lực lãnh đạo và quản lý, chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, đa số cán bộ, CCVC thể hiện sự năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thành phố đã có những phát hiện, đào tạo nguồn cán bộ tốt thông qua các hình thức tiến cử, các đồng chí Thành ủy viên chủ động giới thiệu, đào tạo nguồn cho các chức danh bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND phường theo Đề án 89, chủ động đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao theo Đề án 922... Công tác bổ nhiệm cán bộ đã được đổi mới, ngoài việc bổ nhiệm theo cách làm truyền thống thông qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động đưa ra chủ trương bổ nhiệm mang tính cạnh tranh thông qua hình thức thí điểm thi tuyển các chức danh. Chế độ, chính sách đối với cán bộ có nhiều cách làm sáng tạo và được cụ thể hóa...

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, đội ngũ cán bộ thành phố có những chuyển biến đáng ghi nhận. Hiện nay thành phố có 27.212 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có 2.480 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cụ thể, cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có 394 người, nữ 62 người (gần 16%); 171 người có trình độ đại học (43,4%), 223 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (56,6%); 94,9% có trình độ cao cấp chính trị. Cán bộ lãnh đạo cấp phòng ở sở, ngành và quận huyện là 1.651 người, có gần 98% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, gần 61% có trình độ trung cấp, cao cấp chính trị trở lên. Cán bộ chủ chốt phường xã là 443 người.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy cho rằng, công tác cán bộ vẫn còn một số hạn chế. Nổi lên là đội ngũ cán bộ trong định hướng phát triển vẫn còn hụt hẫng; một số ngành, lĩnh vực, địa phương vị trí lãnh đạo, cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính kế thừa, phát triển, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Tình trạng khép kín trong quy hoạch cán bộ chưa được khắc phục; chưa có sự quy hoạch cán bộ liên thông theo ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương; nhiều cấp ủy và cán bộ lãnh đạo chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch hàng năm chưa thành nề nếp, số lượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch chưa được đảm bảo theo tỷ lệ yêu cầu; việc phê duyệt quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời...

Cho rằng công tác quy hoạch như con dao hai lưỡi, nếu làm minh bạch, dân chủ thì sẽ rất tốt; nhưng làm không tốt sẽ trở thành công cụ cho những người có thẩm quyền chi phối, làm ảnh hưởng, méo mó. Vì vậy, công tác quy hoạch đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao, giống như là nghệ thuật, kỹ năng của những người làm công tác cán bộ. “Thực tế có những quy hoạch rất đẹp, nhưng khi bỏ phiếu thì rớt hết, cuối cùng cán bộ nữ, cán bộ trẻ chỉ là quân xanh”, đồng chí Trương Quang Nghĩa nhìn nhận.

Thêm một vấn đề nữa được đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ ra, đó là chất lượng hoạt động của bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ còn hạn chế, bất cập. Một bộ phận cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản và thiếu kinh nghiệm trong công tác.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị cần tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ gắn với thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch tốt. Bởi vì quy hoạch mới chỉ là bước ban đầu, làm quy hoạch rất khó, nhưng quản lý quy hoạch, phát triển những người được quy hoạch lại đòi hỏi quyết tâm, trách nhiệm rất cao của đội ngũ lãnh đạo. Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu cần tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với việc bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp thành phố, quận, huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp; thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc và theo lộ trình về kiểm điểm, khắc phục sai phạm trong Thông báo 292 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những việc có khả năng làm được thì khẩn trương khắc phục ngay.  

“Quy hoạch bản thân nó chỉ là định hướng, một sự chọn lựa mang tính thời điểm, vì vậy trong quá trình làm phải được xới xáo thường xuyên. Làm quy hoạch để có chất lượng thì phải thể hiện được sự dân chủ, công khai, minh bạch, đúng tuyến, đúng luồng và cần phải được bàn thảo một cách kỹ càng. Đừng lấy phiếu biểu quyết ra để xem đó là kết quả cuối cùng, nếu thế thì buồn lắm. Phải lắng nghe đầy đủ, bàn thảo đầy đủ, sai cán bộ là sai tất”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thẳng thắn nói. Từ thực tế của Đà Nẵng thời gian qua, đồng chí đề nghị, ngay sau hội nghị này, thành phố phải xem xét lại tất cả các quy trình, quy định về công tác cán bộ.

DOÃN HÙNG