Biếm họa của LOG
36 năm chuyên sáng tác tranh biếm họa (từ 1986 đến nay), LOG - bút danh của họa sĩ biếm Lâm Trọng Tường - hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, luôn biết nhấn đúng chỗ, tô màu đúng nơi, bóp méo hình ở vị trí phù hợp... nên tranh của anh bao giờ cũng gây ấn tượng và tạo hiệu ứng xã hội cao.
Chân dung tự họa của LOG.
Một biếm họa đoạt giải của LOG.
Mê vẽ từ thời còn học phổ thông, nhưng có tranh xuất hiện trên báo chí với bút danh LOG thì phải tới năm 1986. "Năm 1986, tốt nghiệp THPT xong, tôi rời quê Di Linh, Lâm Đồng xuống TPHCM theo học Trường Trung cấp Văn hóa Sài Gòn, chuyên ngành Sân khấu, nay là Trường Đại học Văn hóa TPHCM. Tại đây, tôi tình cờ đọc Tuổi Trẻ Cười, tờ báo chuyên về trào phúng, đúng với sở thích từ nhỏ, nên đã vẽ thử 3 bức biếm họa và gửi về tòa soạn báo này", họa sĩ LOG kể. Trong số 3 bức tranh anh gửi đi, có 1 bức được Tuổi Trẻ Cười chọn đăng. Thật khó tìm được lời để diễn tả niềm vui của LOG lúc ấy. Cầm tờ báo trên tay rồi mà anh vẫn cứ lo sợ vẩn vơ. LOG sợ vì một lý do nào đó tờ báo bị thu hồi thì liệu tranh của anh có đến được với độc giả nữa không? Tất nhiên, tờ báo chẳng bao giờ bị thu hồi cả. Tuổi Trẻ Cười chính là cái nôi để LOG phát triển niềm đam mê vẽ biếm họa của mình. "Ngoài thỏa mãn niềm đam mê, vẽ biếm còn giúp tôi có thêm ít tiền để trang trải cho đời sống sinh viên", họa sĩ LOG chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Sài Gòn, anh trở về Di Linh công tác. Ở quê nhà, việc cộng tác tranh biếm với các báo gặp rất nhiều khó khăn, vì thời điểm đó các phương tiện thông tin chưa phát triển như bây giờ. Tuy vậy, LOG luôn miệt mài vẽ biếm cộng tác với rất nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương và đã gặt hái được khá nhiều thành công. Trong năm 1992 và năm 1993, anh đoạt 2 giải Nhất ở 2 cuộc thi vẽ tranh biếm họa của báo Thanh Niên. Năm 1996, LOG giành giải Nhì tranh biếm họa trên tạp chí Thế Giới Mới. Tiếp đó, năm 1998, anh lại giành giải Nhì tranh biếm họa cũng của tạp chí này. Năm 1999, LOG đoạt giải Ba tranh biếm họa báo Tuổi Trẻ Cười và đoạt giải Nhất cùng giải Khuyến khích tranh biếm họa báo Thể Thao TP Hồ Chí Minh vào năm 2001...
Theo họa sĩ LOG, biếm họa là một loại hình báo chí nhưng mang nhiều đặc tính giải trí, vì thế yếu tố hài hước, dí dỏm rất quan trọng. Nhưng tiếng cười của biếm không đơn thuần là tiếng cười thư giãn mà ẩn trong ấy những triết lý sâu cay. Triết lý theo kiểu trào lộng. Nghĩa là đằng sau phác họa về những điều chưa như ý, những việc xấu, những tật xấu... của đời sống xã hội, người họa sĩ gửi gắm thông điệp của mình đến với người xem tranh, gióng lên hồi chuông thức tỉnh mang ý thức xây dựng trong mỗi người. Do tính chất sâu cay, thâm thúy của biếm như vậy, cộng thêm người đời xưa nay vẫn "gán" cho biếm họa là tranh châm biếm, đả kích, thế nên biếm họa ít được người đời chiều chuộng, săn đón. "Thói thường, không ai muốn mình bị người khác nói xấu. Trong khi đó, biếm họa lại khuếch đại, nhấn mạnh, làm rõ thêm về cái xấu, nên người bị nhắc đến thường cảm thấy khó chịu", họa sĩ LOG lý giải.
Cũng theo họa sĩ LOG, mặc dù vậy, tranh biếm họa chưa bao giờ mất đi sự cuốn hút. Bởi xét về tính mỹ thuật, biếm họa là một loại hình nghệ thuật. Còn như xét về mặt báo chí, biếm họa là một loại hình khá đặc biệt. Bởi trong cuộc sống, có không ít đề tài mang tính "nhạy cảm", các loại hình phóng sự, ký sự không thể viết được, nhưng riêng biếm họa nó vẫn làm tốt sứ mệnh của mình. Do đó, biếm họa vẫn là thể tài luôn được anh kỳ công khai thác cả về đề tài lẫn hình thức thể hiện.
Tranh biếm họa thời sự của LOG độc đáo về ý tưởng, mới mẻ về hình thức biểu đạt, mang đến cho người xem nhiều sự bất ngờ. Khi vẽ tranh, anh đặc biệt chú trọng ngôn ngữ tự thân của hình ảnh, tiết giản ngôn từ tối đa nhưng người xem vẫn hiểu được ý nghĩa của những bức tranh. Chỉ khi nào thực sự cần thiết, LOG mới phải dùng lời giải thích cho bức tranh, để người xem hiểu hoặc không hiểu sai ý mình.
TRỊNH CHU