Biến chứng nặng sau tiêm vaccine, có được bồi thường?
Bạn đọc hỏi: Ông N.H.T., trú Q.Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) hỏi: Nếu không may bị tai biến nặng sau khi tiêm vaccine, tôi có được bồi thường gì không và mức bồi thường như thế nào?
* Luật sư Nguyễn Tấn Khoa- Trưởng phòng Phòng Xử lý vi phạm của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Vaccine luôn là lá chắn hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe. Mặc dù được nghiên cứu cẩn trọng và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm duyệt khắt khe nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro nhưng sẽ không tránh khỏi các biến chứng sau tiêm chủng. Tai biến nặng sau tiêm chủng là sự cố bất lợi sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng hoặc để lại di chứng hoặc làm người được tiêm chủng tử vong. Hiện nay, có hai hình thức tiêm chủng gồm: tiêm chủng có phí do doanh nghiệp tổ chức và tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức (chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch). Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ cũng như hướng dẫn chi tiết tại Chương IV Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12-11-2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP về việc giám sát điều tra nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng, nếu kết quả điều tra xác định nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng là do tiêm vaccine gây ra thì tùy trường hợp người được tiêm chủng hoặc thân nhân của họ sẽ được bồi thường các khoản chi phí theo quy định.
Trường hợp 1, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường nếu người được tiêm chủng tham gia trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch. Về mức bồi thường, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP, nếu thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật thì được bồi thường: 30 tháng lương cơ sở; các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc giảm sút. Nếu thiệt hại đến tính mạng thì thân nhân của người được tiêm chủng sẽ được Nhà nước hỗ trợ các khoản sau: các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng, phí bằng 10 tháng lương cơ sở; chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại; các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút. Về hồ sơ, thủ tục xác định trường hợp được bồi thường; thủ tục bồi thường và trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường được hướng dẫn chi tiết tại các Điều 17, Điều 18, Điều 19 Nghị định 104/2016/NĐ-CP. Lưu ý: trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vaccine, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 2, doanh nghiệp hoặc cơ sở nơi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng có trách nhiệm báo cáo sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở và thực hiện bồi thường cho người được tiêm chủng theo quy định của pháp luật về dân sự nếu có lỗi gây ra tai biến nặng sau tiêm chủng (căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 104/2016/NĐ-CP).
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138, 0905192878.