Biển Đà Nẵng phải sạch, đẹp và an toàn
Như là một sản phẩm du lịch đặc trưng, các bãi biển Đà Nẵng không chỉ là “bảo bối” của người dân địa phương mà ngày càng thu hút nhiều du khách trải nghiệm khi đặt chân tới thành phố. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đang gặp khó khi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch biển còn eo hẹp.
Du khách tắm biển Đà Nẵng. |
Cứu hộ bằng thúng chai thì chưa ổn
Tại cuộc họp thường kỳ UBND TP Đà Nẵng mới đây, đại diện Sở Du lịch đề nghị thành phố xây dựng nghị quyết mức hỗ trợ kinh phí cho lực lượng cứu hộ và quản lý trật tự tại các bãi biển. Lý do là lượng khách đến với biển Đà Nẵng ngày càng đông, không chỉ ban ngày mà cả vào ban đêm. Nếu lực lượng cứu hộ chỉ trực từ 4 giờ 30 sáng đến 19 giờ tối như từ trước tới nay thì không làm tròn nhiệm vụ với du khách. “Để người dân, du khách được an toàn ngay cả trong buổi tối, cần linh động tăng trực cứu hộ hoạt động từ 19 giờ đến 22 giờ khuya. Đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ mức 100 ngàn đồng/người/mỗi đêm. Mức hỗ trợ này đảm bảo không quá mức quy định của người lao động”, ông Nguyễn Đức Vũ – Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đề nghị. Để đáp ứng nhiệm vụ này, mỗi năm Đà Nẵng sẽ chi thêm 1,8 tỷ đồng chi trả giờ làm thêm, nâng cao chất lượng cứu hộ.
Theo khảo sát, trước đây lực lượng cứu hộ tại các bãi biển của Đà Nẵng rất đông đảo, được các dự án, chuyên gia nước ngoài tập huấn bài bản. Sau một thời gian làm việc vất vả nhưng nguồn thu nhập quá khiêm tốn, nhiều người đã vào làm việc cho các khu nghỉ dưỡng. Số còn lại bám công việc chủ yếu chỉ hưởng “lương chay” do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch là đơn vị sự nghiệp chưa có những chế độ ưu đãi tương xứng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng đề xuất tăng mức hỗ trợ để chuyên nghiệp hóa lực lượng cứu hộ bãi biển là rất chính đáng vì du khách tăng thì áp lực về đảm bảo an toàn cũng tăng theo. “Anh em cứu hộ làm việc rất vất vả, mùa đông họ cũng “tắm biển”. Trong khi đó chỉ có lương cơ bản. Vì vậy, số anh em trẻ khỏe, bơi giỏi nghỉ việc hoặc các khu resort lấy hết, dẫn đến thiếu hụt lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Việc tăng thêm thu nhập để giữ chân và nâng cao trách nhiệm của lực lượng cứu hộ đối với du khách là rất cần thiết”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.
Bên cạnh nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đặc biệt quan tâm đến trang thiết bị, phương tiện để có thể phản ứng nhanh khi du khách gặp sự cố đuối nước. Vì đối với các bãi biển có danh tiếng của Đà Nẵng, việc chỉ có những chòi tháp, thúng chai, ván lướt để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn là chưa tương xứng.
Sạch đẹp rồi, còn phải an toàn nữa
Ngay giữa mùa hè, 5 bãi tắm tráng nước ngọt trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn lại vào cao điểm nâng cấp, cải tạo khiến việc tắm biển, vui chơi giải trí của người dân bị thu hẹp không gian. Do vừa cải tạo vừa khai thác nên vào những “giờ vàng”, các bãi tắm tráng nước ngọt số 1, 2, 3 bãi biển Phạm Văn Đồng, bãi tắm Sao Biển (Ngũ Hành Sơn) và bãi tắm Phước Mỹ (Sơn Trà) luôn trong trạng thái gây khó khăn cho việc tiếp cận của du khách và người dân. Ngoài việc bãi đỗ xe chật chội, người dân phải chen chúc thì áp lực nước ngọt cũng yếu hơn rất nhiều so với trước đây. Thậm chí các khu vực thay đồ, vệ sinh cũng bị xuống cấp, ít được quan tâm chăm chút khiến người sử dụng dịch vụ mất đi cảm giác thoải mái. Theo các chủ bãi tắm, việc nâng cấp cải tạo kéo dài gây phiền hà cho khách khiến họ bị giảm nguồn thu đáng kể ngay trong mùa du lịch.
Đại diện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, hầu hết các bãi tắm nước ngọt công cộng dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp đều ở trạng thái cần thiết phải nâng cấp, cải tạo để phục vụ người dân và du khách trong giờ cao điểm nên việc ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ là không thể tránh khỏi. Hiện cơ quan chức năng cũng đang yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối tháng 5, đúng thời điểm diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, các bãi biển là niềm tự hào, là sản phẩm du lịch thế mạnh của thành phố cho nên nhất định phải giữ được những nét đặc trưng và cần thiết nâng cao chất lượng các dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, ông Thơ cũng nhấn mạnh cơ chế đấu thầu đối với các bãi tắm hiện vẫn không khiến các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Chính vì vậy, cơ sở vật chất như hệ thống tắm tráng, nhà vệ sinh bị hư hỏng, xuống cấp qua thời gian dẫn đến chất lượng dịch vụ giảm. “Đấu thầu cho người ta thuê ngắn hạn quá thì các ông chủ chỉ nghĩ đến khai thác chứ không duy tu, bảo dưỡng. Cần phải mở ra cơ chế để các nhà đầu tư mạnh dạn, làm cho bãi biển sang trọng lên mới thu hút được khách du lịch có chất lượng. Bãi biển mà sạch đẹp thì cả cộng đồng được lợi, du lịch mới phát triển được”.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu ngành chức năng nghiên cứu lại giá dịch vụ tắm nước ngọt đang được xem là “rẻ nhất cả nước” với chỉ khoảng 2.000 – 3.000 đồng/lượt/người. Vì “Rẻ quá mà chất lượng không tốt thì cũng không nên. Mình xem xét giá cả vừa phải, để từ nguồn thu này trang trải đầu tư, duy tu bảo dưỡng, nâng cao chất lượng phục vụ thì khách sẽ thoải mái”.
Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, ông Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu Sở Du lịch, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho người dân, du khách khi tắm biển. Vì thực tế thời gian qua đã có thông tin du khách bị mất tài sản tại các bãi biển. “Phải làm sao để biển Đà Nẵng không chỉ sạch đẹp mà còn an toàn. Du khách trong nước và quốc tế đến đây chỉ có yên tâm tắm biển và thoải mái trải nghiệm chứ không còn lo lắng về bất cứ thứ gì. Đó là nhiệm vụ của ngành du lịch và chính quyền các địa phương”.
BẢO NAM