Biển Đông: Cần sự hợp tác xây dựng quy tắc ứng xử, dựa trên pháp luật quốc tế
(Cadn.com.vn) - Với 8 bài phát biểu và nhiều ý kiến đóng góp, trong ngày làm việc thứ 2 của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6, các chuyên gia, học giả đã thảo luận về vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế, các yêu sách tại Biển Đông và tranh chấp biển, quy chế lãnh thổ, vùng biển và vùng trời trong quy định của luật pháp quốc tế.
Các đại biểu dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6. |
Biển Đông bị biến thành không gian cạnh tranh
Các học giả cho rằng, với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc, từ đó làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp. Trung Quốc có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình để cho thế giới thấy những biểu hiện hữu hình của một siêu cường. Tham vọng hướng biển của Trung Quốc có thể nhìn thấy tại những vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi những nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy những yêu sách của mình ngày càng trở nên quyết liệt.
Một số chuyên gia lo ngại rằng, chính tham vọng trở thành cường quốc biển đã khiến Trung Quốc có quan niệm mới về cấu trúc an ninh khu vực Châu Á, và tình hình trở nên phức tạp thêm với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực. Giáo sư Robert Beckman và Tiến sỹ Phan Huy Thảo đến từ Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore trong tham luận của mình đã nhấn mạnh, việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông ngày 23-11-2013, chồng lấn lên vùng ADIZ trước đó của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan gây ra nhiều quan ngại và vấp phải sự chỉ trích từ các nước cũng như các nhà bình luận trong khu vực.
Hai học giả này cho rằng, nếu Trung Quốc đã tuyên bố ADIZ ở vùng biển Hoa Đông thì khả năng họ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông trong thời gian tới là có thể xảy ra, khi đó, tình hình sẽ hết sức phức tạp. Khi Trung Quốc thực hiện việc này ở Biển Đông, tại bất kỳ khu vực nào ngoài vùng biển liền kề với bờ biển của nước này chắc chắn sẽ gây ra chỉ trích cả về mặt pháp lý lẫn chính trị. Nó cũng sẽ dẫn đến các xung đột có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực trở nên phức tạp và khó giải quyết. Vì lợi ích hòa bình và ổn định khu vực, các quốc gia liên quan không nên tuyên bố và thực hiện ADIZ.
Nâng cao khả năng hợp tác, không đơn phương thay đổi nguyên trạng Biển Đông
Trong bối cảnh tranh chấp giữa các nước trong khu vực liên quan đến việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế, các học giả đã tập trung phân tích chế độ pháp lý đối với các thực thể trên biển, các vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khu vực nhận diện phòng không tại các vị trí chồng lấn. Giải quyết các vấn đề này cần dựa vào cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Các học giả đã phân tích quá trình hình thành quy định về Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, theo đó các quốc gia ven biển có thẩm quyền đặc biệt để phát triển và quản lý quy chế bảo tồn các nguồn tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh rằng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với ý đồ biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận diện phòng không để khẳng định yêu sách của mình không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.
Giải pháp thực tế và phù hợp nhất hiện nay là các bên cùng xây dựng các quy tắc ứng xử để bảo đảm hành động của mình phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế và không làm gia tăng va chạm, tranh chấp tại Biển Đông. Bà Jane Chan, nghiên cứu viên và điều phối viên Chương trình An ninh Biển, Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng, việc xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các nước liên quan trong khu vực có thể mở ra các hướng giải quyết có lợi trên Biển Đông. Bà nhấn mạnh, thỏa thuận chia sẻ thông tin vốn rất quan trọng đối với an ninh biển, vừa đáp ứng được nhu cầu nhận thức về tình hình trên biển, vừa là cơ sở cho hợp tác rộng lớn hơn.
Một số học giả cho rằng, tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN trong và ngoài khu vực đóng vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề này. Điển hình như Liên minh Châu Âu, một đối tác ASEAN có nhiều lợi ích chiến lược tại Biển Đông và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc phòng chống, quản lý xung đột, sáng lập và thực hiện các quy tắc luật quốc tế... có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình, giúp các nước trong khu vực Biển Đông quản lý và giải quyết tranh chấp.
Nhiều chuyên gia chia sẻ, xây dựng một trật tự pháp quy dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông là một cam kết dài hạn, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo của tất cả các bên liên quan trong và ngoài khu vực có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không. Tại phiên thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa, nhiều đại biểu đã nêu đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển mới và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.
Bế mạc Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, qua 2 ngày làm việc, vấn đề Biển Đông đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như địa chính trị, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế. Nhiều đóng góp tâm huyết, rất có giá trị từ các học giả trong và ngoài khu vực đã được đưa ra, tất cả với chung một mục đích giúp tăng cường hiểu biết, lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông. Các khuyến nghị và ý kiến đóng góp tâm huyết đó sẽ được chuyển tới các bên hữu quan, các cơ quan chức năng qua các kênh và con đường khác nhau, để biến các mong muốn và ý nguyện chung của các nước thành hiện thực. Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, việc tuân thủ "luật chơi chung" là thước đo mức độ thiện chí và trách nhiệm của mỗi bên với hòa bình, ổn định và an ninh chung ở Biển Đông. Nhiều học giả đã cảnh báo tác hại và cái giá đắt đỏ của việc thiếu tuân thủ các nguyên tắc và luật chơi chung, nhất là luật pháp quốc tế, kể cả với các siêu cường.
Công Khanh