Báo Công An Đà Nẵng

Biển Đông, sau 10 năm...

Thứ bảy, 10/11/2018 13:19

* SẼ THIẾT LẬP ĐƯỢC CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT TRÊN BIỂN ĐÔNG

Sau 2 ngày diễn ra với gần 10 phiên họp quan trọng, Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã bế mạc tại Đà Nẵng vào chiều 9-11.

PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng – Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo và các học giả từ nhiều quốc gia tham dự hội thảo.

Ghi nhận tại hội thảo, các học giả đã trao đổi ý kiến sôi nổi về bối cảnh địa chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông, là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn lao ở khu vực. Đánh giá về tình hình tại Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả nhất trí cho rằng tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất, ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc, là ví dụ nổi bật nhất về các tranh chấp trong khu vực. Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Tranh chấp Biển Đông có quan hệ mật thiết với tranh chấp ở các khu vực biển lân cận khác, như Biển Hoa Đông, do đó tác động mạnh mẽ tới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung tại khu vực.

Về chính sách của các nước đối với vấn đề Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả đánh giá các nước giữa mức duy trì lập trường và có một số điều chỉnh nhất định, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Các học giả đi sâu phân tích việc điều chỉnh chính sách đối với khu vực của các nước lớn như Mỹ, Trung, Úc, Nga, Anh, Pháp, nhất trí cho rằng việc cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay là  không có lợi cho ổn định khu vực.

Theo GS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines), tương lai xung đột trên Biển Đông vẫn có nhưng hy vọng rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ thiết lập được cơ chế để giải quyết. GS Jay Batongbacal cho rằng chính cơ chế giải quyết xung đột mới là then chốt, bằng không khu vực sẽ trở nên bất ổn. Các học giả đều cho rằng, tiến trình xây dựng niềm tin, ngoại giao phòng ngừa và nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Mặc dù căng thẳng luôn hiện hữu, nhưng thập kỷ qua cũng có một số diễn biến tích cực. Sau khi thống nhất về khuôn khổ chung, SEAN và Trung Quốc bắt đầu đi vào đàm phán nội dung thực chất của một bộ quy tắc ứng xử từ đầu năm 2018. Hai bên đã vận hành đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp và thảo luận về mở rộng áp dụng CUEs đối với các tàu cảnh sát biển. Một số bên đang tiến hành đàm phán về khai thác chung và phân định biển. Trong bối cảnh như vậy, các diễn giả đã đánh giá những cơ chế quan trọng nhất và xem xét triển vọng của những quá trình này trong tương lai.

Hải Đăng Tiên Nữ (Việt Nam) trên biển Đông.

Tuy nhiên, tại Biển Đông vẫn có thể xuất hiện các vấn đề mới phát sinh có thể vỡ trật tự. Cụ thể như các tiến bộ khoa học và công nghệ không chỉ mở ra những lĩnh vực cạnh tranh mới, như không gian mạng hoặc khai thác đáy biển sâu, mà còn xóa nhòa ranh giới giữa dân sự và quân sự, giữa con người và thiên nhiên. Hoặc, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường biển do hoạt động tàn phá ở quy  mô lớn của con người đang phá hủy hệ sinh thái biển và để lại những hậu quả khó lường cho đời sống và sinh kế của các cộng đồng ven biển. Việc từ chối và không tuân thủ luật pháp quốc tế có thể thúc đẩy các phản ứng đáp trả trái luật, từ đó phương hại một cách hệ thống tới trật tự luật pháp trên biển. Theo các học giả, trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng và có thể bị thay thế bởi một trật tự thứ bậc dựa trên sức mạnh, hoặc một kiểu lai tạo giữa sức mạnh và lẽ phải, hoặc thậm chí rơi vào hỗn loạn. Từ thực tế đó, các học giả đã bàn bạc, phân tích xem loại hình trật tự nào sẽ đem lại môi trường an ninh, sự thịnh vượng và bền vững cho toàn bộ khu vực?

HẢI QUỲNH

Chia sẻ bên lề hội thảo, GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho rằng, thành quả Việt Nam đạt được trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông suốt 10 năm qua chính là sự đoàn kết, thống nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xây dựng, củng cố sức mạnh quốc phòng cùng với chính sách ngoại giao quốc phòng linh hoạt, khôn khéo. Đây cũng chính là cách để Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình trên biển.