Báo Công An Đà Nẵng

Biển Đông trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN

Thứ ba, 14/11/2017 09:49

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này được kỳ vọng có thể giúp các nước giải được phần nào bài toán tranh chấp ở biển Đông.

Các nhà lãnh đạo tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN
ở thủ đô Manila, Philippines hôm 13-11. 
  Ảnh: Sputnik

Những ngày này dường như khá bận rộn đối với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31. An ninh được tăng cường tối đa tại Manila. Khoảng 60.000 binh sĩ và cảnh sát được triển khai cho loạt sự kiện quan trọng này. Đây là cách để Philippines khẳng định, Philippines là điểm đến an toàn và sẵn sàng đón tiếp các vị lãnh đạo thế giới, dù nước này chỉ vừa mới kết thúc cuộc khủng hoảng với nhóm phiến quân Maute ở Marawi.

ASEAN-Trung Quốc đàm phán COC

Sputnik ngày 13-11 dẫn nguồn tin từ truyền thông địa phương cho biết, bản dự thảo tuyên bố chung được thông qua bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc ngày 13-11 tại Philippines khẳng định, Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN đã đồng ý bắt đầu đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) - văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý và hiệu quả trên biển Đông.

Báo Manila Times của Philippines dẫn tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi vui mừng khi được thông báo, các nước ASEAN nhất trí chính thức bắt đầu công tác đàm phán với Trung Quốc về COC”. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar từng tuyên bố, các cuộc đàm phán về COC có thể bắt đầu được tổ chức vào năm 2018. Hồi tháng 8, trong khuôn khổ cuộc họp của các ngoại trưởng, ASEAN và Trung Quốc thông qua bản dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử chung ở biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc nhất trí thỏa thuận khung về COC với các nước ASEAN từ năm 2002 nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển gì do những hành động trái luật và tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông. Để gây sức ép đối với Bắc Kinh và tránh xung đột liên quan tới vấn đề biển Đông, ASEAN rất cần sự ủng hộ toàn cầu, và Hội nghị thượng đỉnh lần này tại Manila, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), chính là diễn đàn thích hợp để tranh thủ sự ủng hộ và duy trì vai trò chủ chốt của ASEAN.

Vấn đề Triều Tiên và chống khủng bố

Ngoài ưu tiên vấn đề biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng quan tâm đến việc ký kết một hiệp định nhằm bảo vệ người lao động di cư khỏi những khu vực bị tàn phá do đói nghèo.

ASEAN cũng nhắc lại “mối quan ngại nghiêm trọng” đối với sự phát triển “vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân và hóa học, và các công nghệ tên lửa đạn đạo” của Triều Tiên. “Lưu ý rằng, những sự phát triển này đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh toàn khu vực và xa hơn, chúng tôi kịch liệt hối thúc Triều Tiên thực thi đầy đủ và ngay lập tức các nghĩa vụ được nêu ra từ những nghị quyết của HĐBA LHQ. Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ đối với việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình, và kêu gọi tự kiềm chế, tiếp tục đối thoại nhằm làm giảm căng thẳng và tạo ra các điều kiện có lợi cho hòa bình và ổn định”, dự thảo có đoạn.

Phát biểu mở màn Hội nghị Thượng đỉnh ngày 13-11, Tổng thống Philippines Duterte cũng đề cập đến các nguồn cơn gây ra mối đe dọa bạo lực trong khu vực, và lên án chủ nghĩa khủng bố. Ông Duterte cho biết: “Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực gây nguy hiểm cho nền hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, bởi những mối đe dọa này không có giới hạn”. Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung dự kiến được công bố sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ không đề cập tới cuộc khủng hoảng của cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine của Myanmar.

KHẢ ANH