Biển Hoàng Sa vẫy gọi
(Cadn.com.vn) - Gió và vị mặn của biển Hoàng Sa đã thấm vào máu, in hằn lên làn da của ngư dân miền Trung. Vậy nên. dù bão tố hay bị truy đuổi đâm chìm tàu, họ vẫn một lòng bám biển Hoàng Sa.
Ngày 9-7-2016, khi đang đánh bắt tại đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu QNg-90479TS của anh Võ Văn Lựu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị 2 tàu Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm. Khi đọc thông tin đó, chúng tôi cảm thấy xót xa. Bởi, bao nhiêu năm đánh bắt trên biển thì đó là lần thứ 3 những con tàu của anh Lựu phải nằm dưới đáy biển Hoàng Sa vì gặp bão tố hay bị đâm chìm. Đó là chưa kể nhiều lần khác, anh Lựu bị các tàu của Trung Quốc tịch thu và cướp phá ngư lưới cụ. Như những lần gặp nạn khác, lần này anh Lựu và bạn thuyền may mắn được tàu cùng xã cứu. Khi trở về đất liền, khuôn mặt anh chai sạm, hằn lên bao nỗi lo toan.
Nhìn hình ảnh ấy, ai cũng nghĩ có lẽ anh Lựu sẽ từ bỏ biển. Thế mà, những ngày gần Tết này, khi chúng tôi trở lại thăm thì thấy Lựu đang tất bật ở âu thuyền xã Bình Châu để đóng một con tàu mới. Anh Lựu cười nói: “Cuối tháng 12 âm lịch này sẽ hạ thủy, để tiếp tục ra Hoàng Sa”. Con tàu mới của anh Lựu có công suất 700CV, được đóng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, phần lớn do vay mượn. Nhìn con tàu đang đóng và nụ cười tự tin của anh Lựu, thật khó hình dung, điều gì thôi thúc anh nhanh chóng trở lại biển, sau những thiệt hại to lớn vì bị mất tàu. Vợ anh Lựu, chị Nguyễn Thị Năng kể, kinh tế gia đình trở nên khó khăn sau những lần tàu chìm. Không ít lần chị đã nhỏ to với chồng chọn một nghề khác, bởi nghề biển nguy hiểm quá. “Nhưng mỗi lần tôi đề cập đến chuyện chuyển nghề thì ảnh quả quyết: “có chết, tôi cũng chết ở Hoàng Sa”. Chồng tôi không bao giờ từ bỏ nghề đi biển”- chị Năng đúc kết.
Dù gặp nhiều tai nạn, nhưng ngư dân Võ Văn Lựu vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa. |
Quả thật, nhiều lần trò chuyện với anh Lựu, chúng tôi phần nào hiểu được cái quyết tâm vươn khơi của anh. 19 tuổi theo cha ra biển, 21 tuổi làm thuyền trưởng tung hoành trên vùng biển Hoàng Sa nên nghề biển đã thấm vào hơi thở, vào dòng máu của người ngư dân này. Tâm sự với chúng tôi, anh Lựu quả quyết, “Suốt bao nhiêu năm đi biển, nhiều lần tôi bị nạn tưởng chết nhưng không vì thế mà bỏ biển. Biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, là máu thịt của Tổ quốc, là nguồn sống của gia đình, nên không thể vì chút nguy hiểm mà nản lòng”.
Cũng như anh Lựu, biển Hoàng Sa với ngư dân các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi là quê hương, đồng ruộng nên dù bão tố, hiểm nguy cỡ nào cũng không cản được quyết tâm bám biển của họ. Chúng tôi tìm đến nhà ngư dân Lê Văn Chiến (P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), người được bạn thuyền đặt cho biệt danh “sói biển Hoàng Sa” để nghe anh kể chuyện nghề. Anh bảo, nghề biển ngày càng gặp nhiều khó khăn, không chỉ bởi bão tố, mà còn vì bị các tàu Trung Quốc rượt đuổi. “Trước đây, khi gặp bão thì chúng tôi có thể vào neo ở các đảo Đá Lồi, Đá Bắc, Bông Bay để tránh gió nhưng giờ thì khó vì bị các tàu Trung Quốc xua đuổi. Họ đuổi thì mình chạy, rồi sau đó quay lại đánh bắt. “Thuyền chai theo đuôi con cá”, không thể bị uy hiếp mà từ bỏ nghề biển được”- anh Chiến quả quyết.
Ngư dân Lê Văn Chiến bảo, Hoàng Sa đã cho ông cuộc sống sung túc cùng con cháu. |
Hơn 30 năm làm nghề biển, trải qua rất nhiều biến cố, nhưng anh Chiến vẫn cương quyết bám biển Hoàng Sa. Trong khi nhiều bạn thuyền khác e ngại, anh Chiến mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ, mua sắm trang thiết bị, ra khơi bám biển, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Không chỉ vậy, anh Chiến còn nhiều lần ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Với những thành tích như thế, anh Chiến vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và vừa qua anh nằm trong danh sách đề cử là công dân tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng... Hỏi chuyện, anh Chiến bảo: “Bao đời qua ngư trường Hoàng Sa đã nuôi sống gia đình tôi, cũng như nhiều ngư dân khác ở miền Trung. Biển Hoàng Sa đã cho ngư dân chúng tôi nhà cửa, nuôi dạy con cháu ăn học. Ngoài ra, nghề biển những năm qua được Nhà nước quan tâm hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, ngư lưới cụ nên chúng tôi yên tâm gắn bó với biển, cùng giúp nhau làm kinh tế biển, cùng giữ chủ quyền biển đảo”.
Không riêng gì anh Lựu hay anh Chiến, nhiều ngư dân khác mà tôi trò chuyện quả quyết rằng, dù biết sẽ gặp bao trắc trở khó lường giữa đại dương song họ vẫn hướng mũi tàu về phía Hoàng Sa. Bởi biển Hoàng Sa là cuộc sống, là một phần lãnh thổ của Tổ quốc, là nơi lời thiêng của Hải đội hùng binh Hoàng Sa xưa vọng về...
Hoàng Anh