Biển như một hành trình gợi sáng
Đó là nhận định của nhiều người khi xem các tác phẩm vẽ về biển của họa sĩ Lương Nguyên Minh (1960, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, Hội Mỹ thuật Việt Nam) hiện sống và sáng tác tại Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tác phẩm hội họa của Lương Nguyên Minh chủ yếu là tranh về phong cảnh, người dân tộc thiểu số và biển. Biển trong tranh anh là một hành trình sáng tạo, cũng là một hành trình trải nghiệm thực tiễn đời sống của chính tác giả. Qua các sắc độ biến chuyển thanh thoát của màu, sự tinh tế trong biểu đạt đường nét và hình thể ở mỗi bức tranh, Lương Nguyên Minh đem đến cho người xem một sự liên kết gần gũi, thân thiết. Bởi đó là tất cả sự tri nhận mà anh đã chắt lọc từ đời sống, từ những ý niệm, cùng những ẩn ức trong tâm hồn, khi đối diện với biển, dành tình yêu cho biển. Ẩn phía đằng sau những sắc màu, ánh sáng, hình nét trong các bức tranh của Lương Nguyên Minh, người xem có thể nhận ra nhịp sống thường ngày của cư dân miền biển rất đỗi mộc mạc, dung dị và cả đời sống đầy biến ảo của biển. Biển trong tranh Lương Nguyên Minh rất gần với đời sống con người, nghĩa là không chỉ có bình yên, lấp lánh ánh mai, ý nhị thơ mộng, đôi lúc còn bàng bạc những trăn trở, cuộn ngầm nỗi đau giằng xé bởi những biến động, tổn thương.
Tác giả đã diễn tả hiện thực đó bằng những nét vẽ tĩnh tại, sâu trầm, thư thái. Ngay cả lúc biển đầy biến động, như sự cố Formosa xảy ra ở biển miền Trung, sắc màu và hình nét của họa sĩ vẫn toát lên vẻ đằm thắm, chứ không ồ ạt phá cách, mạnh mẽ đến mức gân guốc, dữ dội. Câu chuyện biển bị thương tổn ấy, tác giả đã tái hiện với bút pháp trữ tình, phô bày một sự thật đầy đau xót: "Biển đã chết và hệ lụy kéo theo là sinh kế của ngư dân cũng bị tước đoạt" qua bức tranh "Nỗi niềm người dân biển". Trước mắt người xem, mặt biển trải ra mênh mông và trong suốt, gợi tín hiệu rất vui đối với nghề biển. Thế nhưng, thay vì thấy cảnh ngư dân nhộn nhịp vươn khơi đánh bắt cá, biển lại không một bóng tàu, không một bóng thuyền, chỉ chơ vơ con thuyền nhỏ nằm im lìm trên bờ cát cùng chiếc rổ không một mống cá và những người phụ nữ tảo tần theo thói quen cũ vẫn ngồi ngóng về xa xăm. Bức tranh ngoại cảnh thì rất tĩnh nhưng nội tâm lại động đến vô cùng.
Sự tĩnh trầm trong bút pháp của Lương Nguyên Minh, người xem còn bắt gặp nơi tác phẩm "Tuần tra trên quần đảo Thổ Chu" giàu sức gợi nghĩ, thể hiện tinh thần dân tộc khi khẳng định chủ quyền Tổ quốc qua những nét vẽ thanh thoát. Tác giả tả thiên nhiên quần đảo Thổ Chu rất đẹp với biển trời xanh biếc. Trên nền phong cảnh tĩnh lặng, nổi lên hình ảnh những người lính đang cầm chắc tay súng, ngày đêm dõi mắt canh giữ biển trời Tổ quốc. Phía xa kia, nơi có con tàu màu trắng, chính là hải phận quốc tế, và tiền cảnh là hình ảnh cây đa già sum suê cội rễ, cành lá sung mãn, mang tính biểu trưng cho sự trường tồn của Tổ quốc, dân tộc.
Cũng vẫn bút pháp tĩnh trầm, Lương Nguyên Minh khiến người xem ngỡ ngàng trước cảnh sắc sáng rỡ của Trường Sa bởi bức tranh "Nơi ấy Trường Sa". Tác giả đặc tả rất kỹ và sâu đến từng chi tiết, từ những đụn mây nhỏ, xốp và đều đến độ trong văn vắt của nước, từ những con sóng nhẹ đến màu xanh của những loài rêu, từ mặt biển sáng mênh mông đến bầu trời cao thẳm... "Thoạt nhìn, mọi người cứ nghĩ mặt biển trong xanh kia là màu xanh của nước biển nhưng kỳ thực nó là màu xanh của rêu nằm bên dưới mặt nước. Tôi tả sâu độ trong của nước biển ở Trường Sa như vậy cốt để nói lên rằng biển đảo Tổ quốc thật đẹp. Đẹp đến trong ngần", Lương Nguyên Minh chia sẻ.
Óc quan sát tinh tế, cộng với sự nhạy cảm bản năng của con người mẫn tiệp, tác giả đã thành công trong việc gửi vào tranh những giá trị nhân văn, chuyển tải niềm khát sống, kiến tạo những triết lý nhân sinh mới, đồng thời gợi mở những khoảng lặng xôn xao trong tâm hồn những người con khi phải rời xa miền biển quê nhà. Tác phẩm "Hòn Nhạn- quần đảo Thổ Chu" chính là vùng trời cất giữ ký ức của những người con xa quê, thế giới của những con sóng xanh thẫm, gợn lăn tăn trên mặt biển phẳng lặng, hắt lên nền trời tím thẫm, lộ sáng những ánh vàng và những chiếc thuyền của ngư phủ nhấp nhô theo nhịp sóng, mũi hướng về phía Hòn Nhạn, mùa chưa có gió chướng. Nơi đó thấm đẫm tình yêu, niềm vui, hạnh phúc của ngư dân mỗi sớm mai vươn khơi giữ biển. Nơi đó thật yên bình.
TRỊNH CHU