Biến rác thành tài nguyên
Qua 1 năm thực hiện các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt trên địa bàn Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng) nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình đã tận dụng nguồn rác hữu cơ phục vụ các mục đích thiết yếu, hạn chế phát sinh rác thải, tạo nguồn thu nhập, bảo vệ môi trường.
Phân loại rác tài nguyên bán phế liệu gây quỹ của phụ nữ P. Thọ Quang (Q. Sơn Trà). Ảnh: P.N |
Theo Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà Nguyễn Thành Nam, ở giai đoạn thí điểm, quận triển khai thực hiện tại 4 khu dân cư thuộc 4 phường, gồm: Thành Vinh 4 (P. Thọ Quang); Nại Hưng 2 (P. Nại Hiên Đông); 4C (P. An Hải Đông) và Mỹ An 1A (P. An Hải Tây) với sự tham gia của 552 hộ gia đình. Các hộ tham gia được nhận sọt đựng rác tài nguyên do UBND quận hỗ trợ và thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình. Qua thí điểm có 223/522 hộ góp rác tài nguyên cho Chi hội phụ nữ để làm quỹ phúc lợi cho khu dân cư. Tổng lượng rác phân loại và thu gom gồm 250kg nhựa, hơn 6.500 vỏ lon bia, 455kg giấy các loại và nhiều loại rác tài nguyên khác, tổng số tiền thu được từ nguồn rác góp cho chi hội phụ nữ gần 3 triệu đồng. Nhiều hộ dân đã tận dụng vỏ cam, bưởi để chế biến thành mứt ăn hoặc nước rửa chén, dầu gội đầu, nước lau sàn rất hiệu quả, góp phần giảm được lượng rác thải hữu cơ vào môi trường; tái chế gần 1.000kg rác hữu cơ từ các rác thải: rau, lá xanh, lá khô, mùn cưa.
Sau thành công ở giai đoạn thí điểm, Q. Sơn Trà tiếp tục nhân rộng mô hình đến 42 khu dân cư với tổng số 110 tổ dân phố tại 7 phường. Qua kiểm tra, có 4.646 hộ thực hiện phân loại rác, đạt hơn 53% so với kế hoạch. Lượng rác tài nguyên (rác tái chế) thu gần 3.700kg nhựa các loại, 87.500 vỏ lon, hơn 200kg kim loại các loại, 2.800kg giấy, tổng số tiền thu được hơn 52 triệu đồng. Rác tài nguyên được thu gom bằng nhiều hình thức như: Gom rồi tự bán cho các cá nhân thu mua phế liệu, cho nhân viên vệ sinh môi trường, ủng hộ chi hội phụ nữ... Bên cạnh đó, từ tháng 12-2018 đến 3-2019, các phường An Hải Đông, An Hải Tây và Thọ Quang thực hiện thí điểm phân loại túi ni-lông, mỗi phường chọn 2 tổ để thực hiện trong thời gian 3 tháng, đã thu gom được 3.14kg túi ni-lông và chuyển về cơ sở thu mua phế liệu để bán cho nơi tái chế.
P. Phước Mỹ có 6 KDC triển khai thí điểm từ tháng 12-2018 đến tháng 4-2019, UBND phường đã mời các lực lượng chủ chốt của các KDC như: Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, Ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng các chi hội đoàn thể... lên kế hoạch và triển khai các nội dung liên quan và thành lập Ban chỉ đạo cấp phường gồm 1 phó chủ tịch UBND phường làm Trưởng Ban điều hành.
P. An Hải Bắc có 7 KDC triển khai dự án với 986 hộ gia đình tham gia, trong đó 2 KDC có Chi đoàn thanh niên làm nòng cốt. Các đoàn viên đã năng nổ, nhiệt tình tuyên truyền vận động gia đình mình và bà con khối phố hưởng ứng thực hiện, đến nay trong phạm vi thực hiện dự án có gần 3.000 lượt hộ tham gia, trong đó có gần 1.900 lượt hộ ủng hộ rác tài nguyên với tổng số tiền gần 5,5 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, mặc dù đã đạt một số kết quả bước đầu nhưng quá trình triển khai chương trình cũng bộc lộ một số hạn chế như: chưa có giải pháp hiệu quả đối với quá trình thu gom, xử lý rác tài nguyên, chủ yếu là do hội phụ nữ thu gom, bán phế liệu lập quỹ hoặc cho nhân viên vệ sinh môi trường; rác ni-lông sau khi thu gom phân loại không được xử lý hiệu quả, không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra thu gom, xử lý nên phải thuê người vận chuyển đến cơ sở phế liệu để bán hoặc cho vì giá thu mua quá thấp; hiện chưa có chủ trương từ thành phố về việc cấm hoặc hạn chế sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần nên việc sử dụng các sản phẩm này vẫn bị lạm dụng và chưa có xu hướng dừng lại... Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động tuyên truyền, thực hiện phân loại rác, chống rác thải nhựa, phấn đấu đến cuối năm 2019, 100% hộ gia đình trên địa bàn quận được tiếp cận với chủ trương phân loại rác, chống rác thải nhựa.
K.T