Báo Công An Đà Nẵng

"Biệt đội" canh khỉ

Thứ bảy, 13/03/2021 12:00

Trước đây, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) đau đầu với tình trạng người dân cho khỉ ăn. Hành động thiếu ý thức này đã tập một thói quen xấu cho đàn khỉ trăm con, làm thay đổi bản năng tự nhiên của chúng. Trước tình trạng này, nhiều người dân đã tình nguyện xung phong đứng chốt canh giữ, tuyên truyền người dân dừng ngay hành động cho khỉ ăn.

Hình ảnh khỉ "tràn" ra đường ở bán đảo Sơn Trà trước đây.

Còn nhớ cách đây không lâu, cả trăm con khỉ trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống đường "khất thực" chờ đợi du khách cho ăn. Chẳng biết thói quen này có từ bao giờ, nhưng theo ông Phan Minh Hải-Phó trưởng BQL thì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài khỉ. Khi người dân và du khách dừng lại ven đường, các đàn khỉ chạy đến để chờ được cho bánh kẹo, trái cây. Dần dần, đàn khỉ dạn dĩ hơn với con người, bị phụ thuộc vào nguồn thức ăn có sẵn. Đáng nói hơn, nhiều con khỉ bị thương tật, mất mạng do bị xe tông phải khi băng qua đường. Thậm chí, nhiều kẻ xấu còn lợi dụng việc này để dụ bắt khỉ con về nuôi gây bức xúc trong cộng đồng.

Để giải quyết tình trạng này, BQL đã tổ chức nhiều biện pháp để ngăn chặn người dân và du khách không cho khỉ ăn như tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, báo chí, cắm bảng cảnh báo, biển cấm... song hầu như không có tác dụng. Bên cạnh đó, chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi cho động vật hoang dã ăn nên BQL chỉ dừng nhắc nhở. Để chấm dứt tình trạng này, BQL đã triển khai việc tuyển tình nguyện viên cùng với nhân viên BQL trực tại một số "điểm nóng" ngăn chặn tình trạng người dân, du khách cho khỉ ăn. "Vì nhân lực có hạn nên BQL phải kêu gọi sự giúp đỡ. Không ngờ rất nhiều người đã đăng ký tham gia. BQL đã chọn được nhiều tình nguyện viên để cùng đồng hành vì Sơn Trà, vì loài khỉ", ông Hải nói thêm.

Những tình nguyện viên này là đoàn viên thanh niên, người dân lao động bình thường. Họ làm việc không tiền lương, không lợi ích cá nhân. Anh Lê Khả Thiên (1983), trú quận Sơn Trà là một trong những tình nguyện viên đăng ký tham gia đầu tiên. Anh Thiên cho hay, thông qua mạng xã hội, anh biết BQL tuyển người để chung tay bảo vệ loài khỉ, ngăn chặn tình trạng người dân, du khách cho khỉ ăn. Cảm thấy đây là hành động ý nghĩa nên dù công việc sửa chữa điện thoại khá bận rộn, anh đã cố gắng sắp xếp thời gian tham gia. Anh được BQL tập huấn một số kỹ năng cơ bản, cách xử lý tình huống và bắt đầu nhận nhiệm vụ từ trước Tết Nguyên đán. Công việc của anh bắt đầu từ 9 giờ đến 11 giờ và từ 16 giờ đến 17 giờ mỗi ngày. Đây cũng là thời điểm mà người dân, du khách hay mang thức ăn dụ khỉ để chụp ảnh. "Khi thấy người đến gần bìa rừng là lập tức khỉ chạy đến ngay. Con này gọi con khác cứ thế cả đàn nhanh chóng có mặt chờ chực. Do tạo thói quen xấu, không ít lần khỉ tràn xuống đường, đi vào nhà dân quậy phá và phá ngư lưới cụ của người dân ở vịnh Mân Quang gần đó", anh Thiên kể lại.

Anh Thiên nhiệt tình giải thích cho người dân về tác hại của việc cho khỉ ăn.

Anh Thiên vừa dứt lời, một người đàn ông trung niên chở cháu mình đến chuẩn bị cho khỉ ăn. Anh Thiên liền đến nhẹ nhàng nhắc nhở, giải thích làm như vậy sẽ làm mất tập tính của loài khỉ, nhiều lúc khỉ không được cho ăn sẽ dẫn đến hung dữ và tấn công con người. Bác này khi nghe lời khuyên liền cất bánh kẹo rồi vui vẻ nói chuyện, sau một hồi thì chở cháu mình trở về.

Cũng như anh Thiên, Trần Nguyễn Nam Tùng (2002), sinh viên trường Đại học Duy Tân chia sẻ, khoảng 2 tuần gần đây, Tùng cùng nhóm bạn rủ nhau đăng ký tham gia. Mỗi ngày bỏ một ít thời gian và thay phiên nhau nên cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc học tập. "Nhiều người chỉ vì thoả mãn niềm vui và vì vài bức hình tự sướng vô tội vạ mà đã vô ý thức cho khỉ ăn. Nhận thức được hệ luỵ to lớn, em mong muốn người dân hãy ý thức hơn, chấm dứt việc làm vô bổ và làm hại loài khỉ ở Sơn Trà", Tùng trải lòng.

Khoác lên mình chiếc áo trắng xanh cùng dòng thông điệp "Hãy dừng ngay hành động cho khỉ ăn - Hãy tôn trọng đời sống hoang dã của loài khỉ", những tình nguyện viên thường xuyên có mặt ở khu vực Miến Đôi, cổng chùa Linh Ứng và khu vực hàng quán cách chùa vài trăm mét. Cùng với chiếc loa lưu động trên xe máy, các tình nguyện viên rong ruổi khắp các nẻo đường dọc bán đảo Sơn Trà. Chỗ nào có người dân tụ tập cho khỉ ăn là các anh lại có mặt. Thời gian đầu có người còn cự cãi, lớn tiếng khi bị nhắc nhở. Họ cho rằng cho khỉ ăn là bình thường, còn việc làm của các tình nguyện viên là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Các anh chỉ biết kiên nhẫn giải thích, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu. Có thể thấy, từ khi lực lượng tình nguyện viên ra quân, tình trạng người dân và du khách cho khỉ ăn đã dần chấm dứt, không còn cảnh bát nháo cho khỉ ăn ở bán đảo Sơn Trà.

Có thể nói, những tình nguyện viên đã mang lại làn gió mới cho bán đảo Sơn Trà, góp phần gìn giữ cho thiên nhiên Sơn Trà xanh hơn, tốt hơn. Họ xứng đáng được tôn vinh và trân trọng. Mong rằng, mỗi người hãy tự có ý thức để dừng lại và lên án hành vi cho khỉ ăn trên bán đảo Sơn Trà. Hãy để loài khỉ được sống với bản năng tự nhiên của chúng.

M.VINH