Biêu hụi và những cái kết buồn
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra những vụ vỡ hụi khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh lao đao, khốn cùng. Có người suy nghĩ tiêu cực đã tìm đến cái chết như sự giải thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất.
Những ngày qua, ngôi nhà của bà Sáng thường xuyên xuất hiện những đối tượng đến đòi nợ. |
Cuối tháng 8, sau khi xảy ra vụ tự tử do vỡ nợ hàng tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Sáng (trú khối phố Mỹ Hòa, TT Nam Phước) khu vực xung quanh chợ Huyện (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trở nên náo loạn. Vốn là điểm đen cho vay nặng lãi, chơi hụi với số tiền khủng nên khi bà Sáng chết, nhiều đối tượng có số má là chủ nợ của bà Sáng quay sang đòi tiền gia đình bà. Vừa mới thoát chết sau khi cứu vợ không thành, ông Nguyễn Văn Thanh (1977, chồng bà Sáng) lại phải ôm đống nợ lớn. Tuy nhiên ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất ở khối phố Mỹ Hòa lâm cảnh nợ nần. Những năm qua đã có hàng trăm trường hợp tán gia bại sản vì chơi hụi, vay lãi suất cao để làm ăn, khi mất khả năng chi trả thì cũng là lúc họ không còn đường lùi.
Không còn vốn làm ăn, để duy trì tiệm quần áo S-T, bà Sáng phải đi vay nặng lãi. Khi bị đòi nợ, uy hiếp ráo riết bà Sáng đã chọn cách quyên sinh. Tuy nhiên số tiền bà Sáng vay này thực chất được góp từ những đường dây chơi hụi trong chợ Huyện. Chính vì vậy khi bà Sáng vỡ nợ cũng kéo theo hàng chục con nợ khác. Những ngày qua hàng xóm bên nhà ông Thanh thường xuyên chứng kiến những đối tượng đảo qua khu vực này để “nhắc nhở” ông Thanh về món nợ. 2 đời vợ đều đã mất, giờ nuôi 2 con nhỏ nên ông Thanh kiệt sức khi nhà cửa, xe cộ đều đã cầm cố để trả nợ. Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn H. Duy Xuyên xảy ra không ít vụ “vỡ hụi” khiến người chơi hụi “khóc ròng” vì số tiền bị mất lên tới hàng tỷ đồng, có người trở thành con nợ, có người tan cửa nát nhà.
Còn nhớ năm 2013 cả TT Nam Phước bị một phen rúng động trước vụ vỡ hụi lên đến hàng chục tỷ đồng. Hậu quả từ vụ vỡ hụi này đã khiến nhiều gia đình ly tán. Người ít kẻ nhiều, từ bà bán rau đến người bán thịt cá trong chợ Huyện hầu như đều có “góp vốn” trong đường dây chơi hụi này. Thậm chí một công chức của UBND huyện cũng bị “quỵt” 29 tỷ đồng. Theo đó, vụ việc liên quan đến chủ cửa hàng quần áo Trần Thị Quỳnh Nga (1983, trú thôn Mỹ Hạc, TT Nam Phước). Thời điểm năm 2013 đã có hàng chục người gửi đơn đến cơ quan CA tố cáo Nga lừa đảo, chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là chị Hứa Thị Thanh Phượng (khối phố Mỹ Hòa, TT Nam Phước) bị lừa hơn 29 tỷ đồng và số còn lại của người dân sống trên địa bàn H. Duy Xuyên và Điện Bàn.
Với chiêu bài “mượn tiền để kinh doanh” và đưa ra mức lãi “khủng” và trả “nóng”, Nga đã khiến cho nhiều người tin tưởng giao tiền. Thậm chí, nhiều người còn đi vận động anh em, bà con cho Nga mượn tiền. Sau một thời gian gom được số tiền lớn, Nga bỏ trốn. Liên tiếp cùng thời điểm năm 2013, khối phố Mỹ Hòa lại “choáng váng” bởi thông tin bà Nguyễn Thị Hồng Minh “ôm” tiền góp hụi của người dân bỏ trốn. Bà Phạm Thị B. (1965, trú tổ 2 thôn Châu Hiệp) nhớ lại: “Do làm ăn kinh tế khó khăn, một số chị em trong làng thống nhất thành lập nhóm, góp vốn kinh doanh. Thời điểm ấy tôi là người đại diện thu tiền hằng tháng. Khi bà Minh bốc thăm trúng, tôi đã giao cho bà Minh 610 triệu đồng tiền góp hụi. Tuy nhiên, chỉ trả được vài tháng đầu là bà Minh “mất tích” cùng số tiền còn lại. Chúng tôi làm đơn tố cáo gửi cơ quan CA, nhưng vì quá tin tưởng bà Minh lại không có giấy tờ cụ thể nên không thể đòi nợ. Thời điểm đó cả gia đình tôi điêu đứng, tôi vô cùng hối hận vì đã tin người mà giao cả tài sản”.
Không chỉ tham gia một dây hụi mà vì muốn tiền sinh lãi nhanh, nhiều người còn tham gia nhiều dây hụi thuộc nhiều chủ hụi khác nhau. Bà Huỳnh Thị A (51 tuổi, trú Mỹ Hòa) cũng là một trong những nạn nhân của vụ vỡ hụi trên cho biết, nếu chỉ chơi hụi trong vòng một nhóm thân thiết thì không sao, tuy nhiên hiện nay việc chơi hụi đang biến tướng trở thành hình thức cho vay nặng lãi. Sau khi bị quỵt 5 tỷ đồng, bà A phải bán chiếc xe tải chở vải để bù nợ. “Ngày xưa chúng tôi chơi hụi theo kiểu góp ít làm nhiều, ai cần tiền thì có thể lấy trước để mua sắm trong gia đình. Tuy nhiên, sau này số tiền lớn hơn, ai muốn hốt hụi trước phải bỏ tiền mua hụi, ai bỏ tiền cao nhất thì được hốt hụi trong tháng đó. Với hình thức này, thường phần thua thiệt rơi vào những người cần tiền, bởi họ phải bỏ thăm cao để mua hụi, đồng thời số tiền phải đóng sau khi hốt hụi lớn hơn số tiền được nhận. Ngược lại chúng tôi không hốt hụi thì sẽ nhận được phần tiền lãi cao. Hồi đó khi Nga gom tiền chúng tôi cũng tin tưởng vì cô ta có shop quần áo lớn, không ngờ khi ôm hết tiền của chúng tôi thì bỏ chạy. Số nợ mà Nga quỵt không biết tới bao giờ tôi mới trả hết được”.
Thượng tá Thái Văn Việt - Phó trưởng CAH Duy Xuyên bày tỏ quan ngại trước tình trạng chơi hụi, vay nóng tại Nam Phước. “Những năm qua Cơ quan CSĐT CAH Duy Xuyên đã tiếp nhận hàng chục lá đơn tố cáo liên quan đến hình thức góp vốn chơi hụi. Tuy nhiên, trên thực tế có hàng trăm người liên quan và có những gia đình phải tán gia bại sản vì nợ nần. Đây là loại hình cho vay hoặc góp vốn có lời theo kiểu tin tưởng lẫn nhau đã tồn tại khá lâu trong cộng đồng dân cư. Dù loại hình này mang đến nhiều hệ lụy nhưng rất nhiều người vẫn thờ ơ trước hậu quả của nó. Điều này còn khiến tình hình ANTT tại địa phương rối loạn vì chủ nợ đến nhà con nợ đập phá, đòi nợ. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân còn cần phải tỉnh táo, bình tĩnh trước lời dụ dỗ của những kẻ tham lam kẻo tiền mất nợ mang”.
Đ.D