Báo Công An Đà Nẵng

Biểu tình - từ Thái Lan đến Campuchia

Thứ hai, 23/12/2013 07:58

(Cadn.com.vn) - Làn sóng biểu tình chống chính phủ đang phủ một màu ảm đạm lên nền chính trị Thái Lan và cả quốc gia láng giềng Campuchia.

Ở Thái Lan, mặc dù Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã công bố lộ trình cải cách hậu bầu cử ngày 2-2-2014, nhưng phe đối lập cũng chưa chịu yên.

Khi các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn, đề xuất của bà Yingluck được cho là kế hoạch mang tính thăm dò hiệu quả. Theo đó, chính phủ sẽ đề nghị các đảng phái chính trị nhất trí thành lập hội đồng cải cách sau bầu cử. Bà Yingluck nhấn mạnh, hội đồng cải cách sẽ bao gồm các đại diện từ tất cả các tầng lớp trong xã hội, trong đó có cả giới hàn lâm, các đảng phái và nhóm chính trị. Bà Yingluck cho biết thêm, ủy ban này sẽ có 2 năm để hoàn thành kế hoạch cải cách.

Tuy nhiên, phe đối lập đảng Dân chủ vẫn chưa thuyết phục, gọi đó là mưu đồ khuyến khích người tham gia biểu tình... ở nhà. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cho rằng, cuộc bầu cử này sẽ thành lập một chính phủ khác là đồng minh của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Và đó là lý do đảng này quyết định tẩy chay cuộc bầu cử, hành động mà giới quan sát cho là có thể đẩy nước này vào “nội chiến”.



Biểu tình rầm rộ ở Thái Lan và Campuchia. Ảnh: Reuters

Bất chấp việc đảng Dân chủ tẩy chay bầu cử, đảng Peau Thai của Thủ tướng Yingluck sẵn sàng công bố danh sách 125 ứng cử viên tham gia tranh cử trong bối cảnh hàng chục ngàn người biểu tình lại xuống đường chống chính phủ và yêu cầu cải cách khiến giao thông tê liệt. Người biểu tình chia thành hàng chục nhóm phân bổ quanh trung tâm thủ đô Bangkok. Trong đó, nhóm do thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban dẫn đầu biểu tình trên các đường phố lớn tại một số khu vực mua sắm chính ở thủ đô.

Hàng ngàn người khác bao vây tư dinh của nữ Thủ tướng, buộc bà Yingluck từ chức. Tuy nhiên, bà Yingluck không có ở nhà, mà đang trên chuyến tàu đi từ Udon Thani đến Nong Khai. Bà theo dõi tình hình thông qua iPad, được liên kết từ hệ thống mạng tại nhà. An ninh được siết chặt quanh tòa nhà. Hàng trăm cảnh sát chống bạo động chặn người biểu tình cầm cờ định xông vào bên trong tư dinh qua cổng ngoài, song không xảy ra xung đột.

Người ta lo ngại, người biểu tình có thể ngăn cản các ứng cử viên đến đăng ký danh sách tranh cử, vốn dự kiến diễn ra tại một sân vận động ở Bangkok vào hôm nay (23-12). Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha nhận định, với tình hình hiện nay, nếu cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào tháng 2-2014 diễn ra, Thái Lan có nguy cơ xảy ra nội chiến. Tướng Chan-ocha kêu gọi chính phủ và phe đối lập hãy ngồi vào bàn đàm phán và đi đến một thỏa hiệp, sau đó mới tổ chức bầu cử.

Trong khi đó, “cơn sóng thần” chính trị cũng bắt đầu tại Campuchia, quốc gia láng giềng với Thái Lan. Theo Tân Hoa Xã, biểu tình phản đối chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập Sam Rainsy bước sang ngày thứ 8. Ngày 22-12, khoảng 20.000 người ủng hộ đảng CNRP đổ ra các đường phố ở thủ đô Phnom Penh, kêu gọi Thủ tướng Hun Sen tổ chức bầu cử lại hoặc phải từ chức, tiếp sau những cáo buộc về tình trạng sai phạm nghiêm trọng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7 vừa qua. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất tại Phnom Penh kể từ sau tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen từng khẳng định như đinh đóng cột rằng, ông sẽ không từ chức và cũng không đề nghị tổ chức bầu cử lại vì không làm gì sai. Ông Hun Sen đồng thời cảnh báo sẽ thực thi hành động pháp luật đối với người biểu tình nếu họ phong tỏa các tuyến quốc lộ hoặc chiếm giữ các trụ sở chính quyền.

Khả Anh