Báo Công An Đà Nẵng

Bình Định: Đất lâm nghiệp đầu nguồn hồ bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ năm, 01/10/2015 09:47

(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, tình trạng nhiều người dân vào khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn, xã Cát Sơn, H. Phù Cát (Bình Định) lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác, trồng keo diễn ra phổ biến nhưng chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng kịp thời ngăn chặn. 

Với danh nghĩa rẫy cũ, một số người ngang nhiên vào khu vực rừng
thuộc lưu vực hồ Hội Sơn phát, đốt để trồng keo.

Khi giá gỗ keo ngày một tăng cao, một số người dân bất chấp pháp luật, thực hiện hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng loại cây này. Đây là thực trạng đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh và khu vực đất lâm nghiệp thuộc địa phận đầu nguồn hồ Hội Sơn cũng không ngoại lệ. Những ngày cuối tháng 9-2015, chúng tôi về thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn để tìm hiểu thông tin việc đất rừng thuộc khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn đang bị nhiều người dân lấn chiếm, xâm hại. Đi dọc tuyến tỉnh lộ 634, đoạn từ trụ sở UBND xã Cát Sơn đến hồ Hội Sơn, chúng tôi quan sát thấy hàng chục khoảnh rừng nằm ở phía Tây Nam hồ bị đốt phá loang lổ theo kiểu “da beo”.

Vượt lòng hồ bằng xuồng, chúng tôi vào sâu bên trong và chứng kiến hàng chục héc-ta đất lâm nghiệp đã bị người dân “cải tạo” để làm rẫy trồng keo, bạch đàn. Nằm sâu trong khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn-tiếp giáp với thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hòa, H. Phù Mỹ là nhiều “rẫy” keo rộng hàng héc-ta được một số người dân xã Mỹ Hòa trồng ngay trên diện tích đất lâm nghiệp. Qua tìm hiểu được biết: Hiện khu vực đất lâm nghiệp thuộc đội 9, đội 10 (cũ), suối Hóc Thùng (thuộc thôn Hội Sơn) là những nơi bị người dân lấn chiếm để canh tác, trồng trọt. Trong đó, nhiều người dân ở xã Mỹ Hòa “độc chiếm” khoảng 21ha đất lâm nghiệp tại khu vực đội 10 (cũ) để trồng keo; còn khu vực đội 9 (cũ) và suối Hóc Thùng là địa điểm bị người dân “xâm cư” để canh tác. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, xâm hại thuộc loại đất bằng có rừng cây bụi (trạng thái rừng Ib).

Những khu vực đất lâm nghiệp hiện bị lấn chiếm nguyên trước kia là đất nông nghiệp do người dân thôn Hội Sơn canh tác, sản xuất. Sau khi hồ Hội Sơn được nhà nước đầu tư xây dựng (những năm 1980 của thế kỷ XX), người dân thuộc đội 9, đội 10 (cũ) chuyển đến nơi khác định cư; sau đó, do điều kiện đi lại khó khăn, cách trở nên người dân địa phương không tiếp tục canh tác. Trong khi đó, khu vực đất thuộc đội 10 (cũ) gần thôn Gia Vấn, điều kiện đi lại thuận tiện nên nhiều người dân nơi đây vào chiếm dụng đất sản xuất để trồng keo và dựng trại làm nơi ở. Đáng ngại, một số người dân vào sâu khu vực lòng hồ - tiếp giáp diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Hội Sơn - để chặt gỗ đốt than và phát rẫy trồng rừng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, trước thực trạng trên, UBND xã đã báo cáo, kiến nghị UBND H. Phù Cát và ngành chức năng liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm. Ngày 11-9 vừa qua, Chủ tịch UBND H. Phù Cát đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, xác minh diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn (gọi tắt là Tổ công tác) gồm đại diện Hạt Kiểm lâm (KL) Phù Cát, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phù Cát, UBND xã Cát Sơn và đại diện các phòng, ban liên quan. Đến ngày 23-9, Tổ công tác tạm kết thúc giai đoạn kiểm tra thực địa; hiện tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để xác định cụ thể diện tích, loại đất bị lấn chiếm và các đối tượng thực hiện hành vi lấn chiếm.

Ông Ngô Thanh Hùng, Phó Giám đốc BQLRPH H. Phù Cát-thành viên Tổ công tác, cho biết: Qua kiểm tra bước đầu, BQLRPH xác định diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm không thuộc phạm vi quản lý của BQL. Hiện tại, BQL đang quản lý diện tích hơn 4.156ha rừng phòng hộ tại khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn; toàn bộ diện tích này đã giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, gìn giữ và không bị xâm hại. Riêng một số khu vực đất lâm nghiệp nằm ở phía Tây Nam và Bắc hồ Hội Sơn, nguyên trước đây là rẫy cũ của người dân thôn Hội Sơn; trước kia, người dân sử dụng đất rẫy trồng điều, bạch đàn và keo.

Hiện nay, một số người tiếp tục vào khu vực này để canh tác, sản xuất. Đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Hạt trưởng Hạt KL H. Phù Cát-Tổ trưởng Tổ công tác, cho rằng: Tình trạng nhiều người dân ở xã Cát Sơn và Mỹ Hòa lấn chiếm diện tích đất lâm nghiệp trong khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn để canh tác, trồng trọt đã xảy ra từ nhiều năm nay. Hiện Tổ công tác đang trong quá trình kiểm tra, xác minh cụ thể diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và xác định đối tượng thực hiện hành vi lấn chiếm để báo cáo, đề xuất UBND H. Phù Cát xử lý đúng theo quy định.

Công Luận