Bình Định gặp khó với bài toán đầu ra cho nước sạch nông thôn
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 128 công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn, cung cấp nước cho 68.250 hộ dân. Cùng với 9.370 hộ sử dụng nước từ các công trình cấp nước đô thị cấp sang, trên địa bàn chỉ có 28,4% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, còn 195.545 hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các công trình này chưa thật sự ổn định, chịu ảnh hưởng nắng hạn, mưa lũ.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ (Bình Định) có tổng kinh phí xây dựng hơn 39 tỷ đồng, sau khi được nghiệm thu từ đầu tháng 9-2020 đến nay, nhà máy nước này hoạt động cầm chừng. |
Mùa hạn năm 2020, có hơn 10.675 hộ thiếu nước sinh hoạt. Trong 128 công trình cấp nước sạch nông thôn của Bình Định chỉ có 14 công trình có quy mô lớn; 43/114 công trình có quy mô nhỏ còn lại chưa được bàn giao. Công trình sau khi xây dựng đưa vào sử dụng được bàn giao về UBND cấp xã và cộng đồng hưởng lợi tự quản lý nên thiếu chuyên môn kỹ thuật, không được duy tu bảo dưỡng định kỳ.
Ông Hồ Đắc Chương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ sớm vận hành 43 công trình nước sạch còn lại trên địa bàn để thực hiện quản lý, khai thác và sử dụng. Tỉnh cũng khẩn trương hoàn thành các dự án nâng cấp, mở rộng cấp nước xã Mỹ Tài, Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ); xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), xã Phước Quang (huyện Tuy Phước); khởi công các dự án nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp nước sinh hoạt xã Cát Hải (huyện Phù Cát), công trình cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn). Đối với các công trình nước sạch tập trung chưa phát huy hết công suất thiết kế, tỉnh Bình Định tăng cường mở mạng, vận động người dân đấu nối nước để sử dụng; kiện toàn công tác quản lý vận hành công trình sau đầu tư, đảm bảo tất cả công trình đều có cán bộ kỹ thuật trực tiếp vận hành.
TƯỜNG QUÂN