Báo Công An Đà Nẵng

Bình mới, rượu có mới?

Thứ hai, 29/10/2018 08:22

Khi Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức hội nghị thượng đỉnh 4 bên (cùng với Pháp, Nga, Đức) về vấn đề Syria, thật sự không có nhiều hy vọng về một kết quả khả thi sau hội nghị này. Và thực tế đã chứng minh điều đó.

Các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp họp thượng đỉnh vào ngày 27-10 nhằm bàn về vấn đề Syria, với hy vọng sẽ mở đường cho những tiến bộ lớn hướng cách giải quyết xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Tại cuộc họp, lãnh đạo các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Syria cũng như sự cần thiết của cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị tại Istanbul, lãnh đạo 4 nước bày tỏ ủng hộ đối với một tiến trình chính trị toàn diện do LHQ dàn xếp, được người dân Syria dẫn đầu và làm chủ.

Tuy nhiên, bản tuyên bố được cho là không có gì mới. Thực tế cho thấy, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh về một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Điều này từng được LHQ và các nước nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng cho đến nay mọi tiến trình chính trị đều chưa thể đến được điểm cuối cùng.

Một phần nguyên nhân là do cuộc họp này mất đi nhiều ý nghĩa sau khi Ankara và Moscow đạt được thỏa thuận về Idlib, thành trì lớn cuối cùng của phe phiến quân ở Syria. Vào giữa tháng 9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ký kết một thỏa thuận về một khu định cư chính trị ở Idlib. Tỉnh Idlib trở thành mối quan tâm lớn của Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara lo ngại một cuộc tấn công của quân đội Syria chống lại phiến quân có thể làm bùng nổ dòng chảy người tị nạn về phía biên giới của họ. Một số nhóm nổi loạn ôn hòa hơn ở Idlib có sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng, họ phải là một phần của những nỗ lực hòa bình và có một vị trí trong tương lai của Syria.

Thứ hai là, các quốc gia vốn có ảnh hưởng lớn khác trong vấn đề Syria như Mỹ, Iran và Israel không tham gia hội nghị. Mỹ hiện diện quân sự lớn tại Syria, trong các khu vực dưới quyền kiểm soát dân quân người Kurd ở phía đông và đông bắc Syria dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Ankara, Washington vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho dân quân Kurd, một hành động mà Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận là một mối đe dọa an ninh lớn của quốc gia.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là tất cả các bên liên quan cần có một cuộc họp mở rộng, để có thể nhất trí được những bước đi cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề nội tại của Syria, chứ không phải chỉ là những lời cam kết trên giấy. Nhưng cũng không nên quá bi quan. Dù không có nhiều đột phá như kỳ vọng, nhưng hội nghị thượng đỉnh lần này là bước “khởi hành lớn” cho tiến trình hòa bình cho quốc gia Trung Đông này, trong đó, với điểm đáng chú ý là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công khai thừa nhận tương lai số phận Tổng thống Syria Al-Assad sẽ do chính người dân nước này quyết định.

THANH VĂN