Báo Công An Đà Nẵng

Bình mới, rượu cũ!

Thứ sáu, 02/05/2014 10:18

(Cadn.com.vn) - Một đề xuất mới nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị bao phủ Thái Lan đang vấp phải nhiều chỉ trích là "không đúng và phi dân chủ". Tại sao vậy?

Đó là đề xuất của Thư ký thường trực Bộ Tư pháp Kittipong Kitayarak. Theo đó, ông này cho rằng, các chính trị gia "tai to mặt lớn", bao gồm cả Thủ tướng Yingluck Shinawatra, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, nên tạm thời rút lui khỏi chính trường trong thời gian một năm hoặc 2 năm để "thời gian và không gian" cho việc thực hiện "cải cách quốc gia" theo như những người biểu tình chống chính phủ yêu cầu. Sau thời kỳ "ngủ đông", tất cả các chính trị gia có thể trở lại chính trường.

Ông Kittipong cho rằng, đề xuất của ông hoàn toàn là ý kiến chủ quan của cá nhân và không phản ánh quan điểm của đảng cầm quyền hoặc bất kỳ nhóm chính trị nào. Bởi theo ông, những số liệu mâu thuẫn từ đảng cầm quyền và phe đối lập cho thấy, Thái Lan không nên tổ chức bầu cử dự kiến diễn ra trong tháng 7 tới sau khi Tòa án Hiến pháp quyết định cuộc bầu cử hôm 2-2 là vô giá trị.

"Trong thời gian tạm thời họ "ở ẩn", các nhà lãnh đạo hàng đầu có thể cống hiến những đề xuất và triển khai thực hiện "cải cách quốc gia", có thể kéo dài một năm hoặc hơn, sau đó Quốc hội sẽ bị giải tán và một cuộc bầu cử mới được tổ chức", ông này nói.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sáng kiến này không chỉ phản tác dụng mà còn không dân chủ. Có thể thấy, những sáng kiến này được cho là hoàn toàn vô lý và không phải là cách giúp đất nước thoát khỏi cuộc xung đột chính trị.

Theo đó, cuộc xung đột chính trị sẽ không kết thúc vì vấn đề này phản ánh vai trò chính trị của họ, mặc dù chỉ trong một năm. Bởi lẽ, cuộc xung đột hiện nay ở Thái Lan không chỉ là mâu thuẫn giữa một người này với một người khác.

Giáo sư Virote Ali nói rằng, nếu đề xuất được thông qua sẽ tạo tiền lệ xấu. Tức là, từ nay mỗi khi xảy ra khủng hoảng chính trị hay một cuộc xung đột, tất cả các chính trị gia sẽ phải kêu gọi "từ bỏ chính trị". "Biện pháp này sẽ chỉ giúp thay đổi khuôn mặt bên ngoài, nhưng vấn đề bên trong sẽ vẫn chưa được giải quyết", ông nói.

Hiện nay, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra và Ủy ban Bầu cử (EC) đã nhất trí tổ chức bầu cử vào tháng 7 tới. Vấn đề đặt ra là liệu đảng Dân chủ đối lập có tham gia bầu cử hay lại tẩy chay.

Trong một diễn biến bất ngờ, thủ lĩnh đối lập, cựu Thủ tướng Abhisit ngày 1-5 tuyên bố sẽ không ra tranh cử nếu đề xuất cải cách của ông nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị được tất cả các bên chấp thuận. Thủ lĩnh đối lập cho biết đã thu thập được hàng loạt sáng kiến và sẽ được tổng hợp thành bản kế hoạch chi tiết trước khi công bố vào cuối tuần này.

Bầu cử là một phần thiết yếu của quy tắc dân chủ, theo đó người dân được trao quyền để quyết định ai là người đủ điều kiện nhất để điều hành đất nước. Và thiết nghĩ, các đảng phái ở Thái Lan nên làm đúng theo lựa chọn của cử tri.

Thanh Văn