Báo Công An Đà Nẵng

Bình yên miền chân sóng…!

Thứ ba, 29/04/2025 07:05
Công an TP Đà Nẵng luôn nhận được tình cảm, sự tin yêu của người dân thập phương (trong ảnh: Điểm cung ứng nhu yếu phẩm miễn phí phục vụ người dân các địa phương về quê đón Tết).

Nhiều năm trở lại đây, Đà Nẵng- thành phố "đầu biển, cuối sông" luôn được bạn bè, du khách trong và ngoài nước yêu mến, ngưỡng mộ và ưu ái đặt cho nhiều mỹ từ như "thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư", "điểm đến an ninh, an toàn và thân thiện"… Và không chỉ có thế, đã có nhiều công dân trong và ngoài nước chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai của mình. Có được điều này, ngoài cộng đồng thân thiện, mến khách, môi trường xanh, sạch, đẹp…, thì an ninh, an toàn cũng là một "điểm cộng" trong mắt nhiều người.

Phục vụ nhân dân là trên hết, trước hết!

Để có được danh xưng "điểm đến an ninh, an toàn và thân thiện", vai trò, đóng góp của lực lượng Công an là chủ công, nòng cốt. Hình ảnh người chiến sĩ Công an luôn gắn với sự thân thiện, gần gũi, sẵn lòng giúp đỡ người dân. Nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh đẹp về lực lượng Công an TP Đà Nẵng lan tỏa khiến người dân yêu mến, đồng cảm và thêm tin yêu vào lực lượng Công an.

Một trong những lực lượng nhận được nhiều cảm mến từ người dân và du khách ở Đà Nẵng là Cảnh sát giao thông (CSGT). Nghe thì có vẻ "hơi lạ", nhưng thực tế, nhiều năm qua, CSGT Công an TP Đà Nẵng tạo được nhiều thiện cảm tốt đẹp.

Du khách Choi Hack Ryong rất bất ngờ khi được Công an phường Mỹ An mời đến để nhận lại toàn bộ tài sản và giấy tờ tùy thân bị đánh mất trước đó.

Là lực lượng thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, vì vậy, từng hành động, từng việc làm của các chiến sỹ CSGT đều được chứng kiến, ghi nhận, nằm trong tầm mắt, mang tính quyết định đến sự nhìn nhận và tình cảm của người dân đối với cả lực lượng Công an. Thế nên, trong cách hành xử, lực lượng CSGT luôn được lãnh đạo Công an TP lưu ý, nhắc nhở thường xuyên. Theo đó, khi xảy ra tình huống người dân vi phạm Luật Giao thông có biểu hiện chống đối, lực lượng CSGT phải luôn mềm mỏng giải thích, tránh tạo sự căng thẳng không cần thiết, đồng thời thông tin ngay qua hệ thống bộ đàm để đồng nghiệp và các lực lượng khác nhanh chóng hỗ trợ. Diễn biến sự việc, bao gồm cả vi phạm giao thông sẽ được camera chuyên dụng gắn trên túi áo CSGT ghi lại, để làm căn cứ xử lý, khiến người vi phạm phải "tâm phục khẩu phục".

Đối với các lỗi vi phạm do vô tình như không nhìn thấy biển báo, do ở địa phương khác vừa đến đi nhầm vào đường một chiều hoặc do những bất cập trong việc tổ chức giao thông..., lực lượng CSGT không xử phạt mà chỉ nhắc nhở và hướng dẫn, hỗ trợ.

Đó là trong công việc, còn trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế, việc làm mà CSGT Đà Nẵng đã nhiều lần thực hiện, mang tính nhân văn sâu sắc. Đơn cử như CSGT hiện thực hóa ước mơ của bệnh nhi ung thư máu giai đoạn cuối Đỗ Tuấn Dũng trở thành chiến sỹ CSGT vào lần sinh nhật thứ 10. Dù cháu bé đã đi xa, nhưng hình ảnh chiến sĩ CSGT "nhí" Đỗ Tuấn Dũng với nụ cười tươi tắn sẽ mãi thổn thức lòng người...

Đoàn Thanh niên Công an TP Đà Nẵng triển khai thực hiện mô hình "tăng ca" để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Là thành phố phát triển mạnh về du lịch, số lượng du khách đến Đà Nẵng tăng mạnh qua từng năm. Vì vậy, việc đảm bảo ANTT và môi trường du lịch được Công an TP hết sức chú trọng. Nhiều du khách trong và ngoài nước rất ấn tượng và khâm phục môi trường ANTT và tinh thần phục vụ của lực lượng Công an. Đã xảy ra một số vụ trộm cắp, cướp giật nhắm vào người nước ngoài, nhưng hầu hết đều được lực lượng Công an nhanh chóng điều tra làm rõ, bắt giữ đối tượng và bàn giao tài sản cho bị hại. Kết quả là trong nhiều năm qua, có hàng trăm bức "Thư cảm ơn" của người dân, du khách trong và ngoài nước được gửi đến Công an TP để tri ân, bày tỏ sự ngưỡng mộ, yêu mến.

Còn nhớ, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, lực lượng CAND nói chung, Công an TP Đà Nẵng nói riêng phải ngày đêm căng mình làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, khu vực cách ly, phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ tình hình ANTT; phối hợp với lực lượng y tế "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỏi từng người dân" để vừa truy vết, khoanh vùng cách ly, vừa tuyên truyền đảm bảo không lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Song song với đó, lực lượng Công an TP vừa tổ chức hàng chục điểm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân vùng phong tỏa vừa nỗ lực hoàn thành 2 dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Hay mỗi khi xảy ra các đợt mưa lũ, thiên tai, hỏa hoạn… Công an cũng là lực lượng luôn đi đầu, đối mặt với hiểm nguy để tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; giúp dân sửa nhà, dọn dẹp vệ sinh, khắc phục thiệt hại sau thiên tai, địch họa…

"Làm ngày không đủ, tranh thủ tăng ca"…

Mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" là một sáng kiến thể hiện rõ tinh thần tận tâm của lực lượng Công an TP Đà Nẵng trước yêu cầu công việc, trách nhiệm đối với nhân dân. Đi vào hoạt động từ tháng 12-2021, mô hình này không chỉ thể hiện sự đổi mới trong phương thức hoạt động của lực lượng Công an mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Đà Nẵng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ với tinh thần "Vì nhân dân phục vụ" với phương châm "lấy dân làm gốc", lấy người dân làm trung tâm. Công an cơ sở không chỉ là những người thực thi pháp luật, mà còn là những người bạn đồng hành, người bảo vệ sát cánh cùng nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Chính điều này đã thúc đẩy mô hình ra đời và được triển khai một cách quyết liệt.

Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong việc giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính (TTHC) ngoài giờ ngay tại cơ sở. Cụ thể, thời gian làm việc ngoài giờ kéo dài từ 18 giờ đến 20 giờ các ngày thứ Hai đến thứ Sáu, và từ 8 giờ đến 11 giờ sáng thứ Bảy hàng tuần (bao gồm cả lễ, Tết). "Xương sống" của mô hình là 4 yêu cầu, gồm: Tăng cường thời gian làm việc ngoài giờ hành chính; chú trọng về địa bàn, tiếp cận người dân; xử lý nhanh chóng các TTHC và đảm bảo ANTT trong thời gian cao điểm.

Theo đó, lực lượng Công an phường, xã tập trung bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, PCCC và quản lý cư trú tại địa bàn; tiếp nhận và giải quyết các TTHC, trao đổi với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại trụ sở hoặc khu dân cư; trực tiếp thăm gặp, làm việc với lực lượng nòng cốt ở cơ sở và nhân dân hàng tuần. Thực hiện mô hình, đòi hỏi những cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ phải chấp nhận bỏ qua những riêng tư, thời gian nghỉ ngơi và cả những giây phút sum họp gia đình. Ngược lại, từng cán bộ chiến sĩ phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước đây.

Từ việc thí điểm ở một số đơn vị, đến nay 100% Công an xã, phường tại Đà Nẵng đã thực hiện và triển khai các nhiệm vụ một cách trọng tâm, đi vào chiều sâu. Mô hình cũng góp phần xây dựng thành công 100% Công an phường, xã trở thành đơn vị kiểu mẫu về ANTT văn minh đô thị và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) theo chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND và Giám đốc Công an TP.

Với những kết quả ban đầu trong thực hiện mô hình, chỉ sau hơn 1 năm, vào ngày 29-4-2022, Cục Xây dựng phong trào BVANTQ Bộ Công an đã có Thông báo số 465/TB-V05-P4 về kết quả xây dựng mô hình trên địa bàn Đà Nẵng để Công an các tỉnh, thành trong cả nước biết, nghiên cứu, nhân rộng mô hình. Đồng thời căn cứ Quyết định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tháng 2-2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP đã cấp Giấy chứng nhận mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" là sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với TP.

Có thể khẳng định, mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" không chỉ là một phương thức tổ chức công việc mới mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy của lực lượng Công an. Các vấn đề phát sinh tại cơ sở được giải quyết nhanh chóng, tình hình ANTT được giữ vững. Điều đáng quý hơn cả là tình cảm mà người dân dành cho lực lượng Công an ngày càng bền chặt. Sự gần gũi, tận tụy và sẵn sàng vì dân của các chiến sĩ Công an đã xây dựng niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của lực lượng Công an TP Đà Nẵng trên hành trình không có điểm cuối: "Vì nhân dân phục vụ"!

P.V (còn nữa)