Báo Công An Đà Nẵng

Blouse trắng sau cánh cửa trại giam

Thứ tư, 01/01/2020 19:41

Đến thăm Bệnh xá Trại tạm giam CA tỉnh Nghệ An vào một sáng mùa đông giáp Tết, trời khá lạnh, đúng thời điểm các các y, bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe cho các phạm nhân. Không khí rộn ràng, tất bật vì số lượng phạm nhân khá đông nhưng trên gương mặt của các y, bác sĩ vẫn luôn luôn nở nụ cười tươi, ân cần hỏi thăm tình trạng sức khỏe của từng người một...

Trung tá Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ. 

Cũng như mọi ngày, hôm nay Trung tá Nguyễn Văn Nghĩa- Bệnh xá Trưởng có mặt từ rất sớm, đôn đốc mọi người làm việc. "Ở đây, tỷ lệ can, phạm nhân rất đông, trung bình có khoảng 1.000 người, thời gian cao điểm giáp Tết thì dao động từ 1.000-1.200 can phạm nhân. Hầu hết số này khi nhập trại đều có sức khỏe không tốt, nhiều trường hợp có biểu hiện sử dụng ma túy hoặc mắc những căn bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch... Ngoài ra, nhiều trường hợp đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, mắc các bệnh xã hội như lao phổi, HIV cũng khá nhiều. Chính vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh xá cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả",  Trung tá Nghĩa cho biết.

Năm 2019, Bệnh xá Trại tạm giam CA tỉnh Nghệ An thực hiện 42.167 lượt khám, cấp phát thuốc cho phạm nhân, có 6.448 lượt người nhập trại khám sức khỏe, 147 lượt người thuộc nhà tạm giam của các đơn vị chuyển đến. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh xá có khoảng 30-35 người nhiễm HIV và có 175 lượt người/năm được cấp phát thuốc ARV. Ngoài công tác tham mưu lãnh đạo về các vấn đề y tế, an toàn thực phẩm, phòng ngừa các dịch bệnh trong trại giam, Bệnh xá Trại tạm giam CA tỉnh Nghệ An còn nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của phạm nhân để tham mưu cho các đội khác.

Mặc dù với quân số khá ít, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để cung ứng cho các nhu cầu khám, chữa bệnh có nhiều hạn chế nhưng đội ngũ CBCS trong Bệnh xá luôn luôn nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp dự phòng, phòng ngừa tránh những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh. "Do đối tượng nhập trại thuộc dạng "đặc biệt" nên quá trình thăm khám, chữa bệnh, cán bộ y tế phải luôn luôn tỉnh táo, thận trọng, tư tưởng vững vàng tránh những yếu tố bất ngờ. Tháng 6 vừa qua, một y sĩ của Bệnh xá trong lúc tiêm cho một phạm nhân mắc bệnh đái tháo đường, khi tiêm xong không may bị kim đâm vào tay. Sau khi xét nghiệm mới biết phạm nhân này bị HIV nên cán bộ y tế phải uống thuốc phơi nhiễm", Trung tá Nghĩa cho biết thêm.

Trại tạm giam là nơi tạm giữ, tạm giam các đối tượng vừa phạm tội, tâm lý chưa ổn định. Chính vì vậy, ngoài công tác y tế, các y, bác sĩ còn là những bác sĩ tâm lý định hướng tư tưởng cho can, phạm nhân.

Vào nghề được 3 năm, Trung úy, bác sĩ Hồ Thị Huyền Trang vẫn không quên cảm xúc ngày đầu tiên nhận công tác: "Ban đầu mới vào nghề cũng hoang mang, lo lắng lắm. Bởi kinh nghiệm chưa có, phạm nhân có nhiều sự tinh vi, xảo quyệt, trong khi phải tiếp xúc nhiều căn bệnh khác nhau, điều kiện khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, động viên, chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị đi trước, đặc biệt là sự chỉ bảo tận tình của Bệnh xá trưởng, sự an ủi động viên của gia đình, tôi đã dần dần thích nghi được với môi trường và bám trụ với nghề".

Trung tá, bác sĩ Cao Bá Tú và Trung úy, bác sĩ Hồ Thị Huyền Trang kiểm tra sức khỏe cho các phạm nhân.

Hơn 20 năm công tác với nghề, Trung tá, bác sĩ Cao Bá Tú đã nếm trải không ít chuyện vui, buồn. "Trước đây, thời điểm tôi đang công tác tại Trại giam số 3, có lần khi thăm khám cho một đối tượng bị nhiễm HIV mới được chuyển từ Hà Nội vào thì thấy phạm nhân không có bệnh nên buộc phải cho đi lao động cải tạo. Tuy nhiên, phạm nhân này bất ngờ cầm lưỡi dao lam thủ sẵn trong người ra rạch bụng tự sát. Nhanh như chớp, tôi vùng lên cướp lưỡi dao lam của đối tượng, kêu gọi anh em trợ giúp và thực hiện biện pháp sơ cứu rồi gấp rút chuyển phạm nhân lên tuyến trên. Khi vào trại, nhiều đối tượng tìm cách trốn tránh hoặc giả vờ bị bệnh để được điều trị ở bệnh viện, lợi dụng việc này làm lộ lọt thông tin... Gặp những tình huống này, người cán bộ y tế phải dùng cả trái tim của mình quan tâm, chia sẻ, động viên và dùng lời nói thuyết phục để cảm hóa phạm nhân", Trung tá Tú  chia sẻ.

Có thể nói, dù không trực tiếp cầm súng hay giáp mặt chiến đấu trên các mặt trận để trấn áp tội phạm, nhưng trong chiến công chung của lực lượng Công an luôn có những đóng góp thầm lặng của đội ngũ làm công tác y tế. Những cống hiến thầm lặng của họ đã tô thắm thêm vào những chiến công, thành tích của toàn lực lượng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Dương Hóa