Báo Công An Đà Nẵng

Bờ biển Cửa Đại sạt lở nặng khiến người dân Cẩm An bất an

Thứ ba, 25/10/2022 09:00
Bờ kè mềm bằng cọc tre, bao cát, dừa và dương liễu bị sóng lớn đánh... tan tác.

Ông Đinh Dũng - Chủ tịch UBND P. Cẩm An, cho biết: Theo đo đạc, đoạn bờ biển bị biển xâm thực có chiều dài khoảng 400 mét (cả 2 P. Cửa Đại và Cẩm An); chiều sâu sâm thực có chỗ 3 - 4 mét. Có 4 ngôi nhà nằm trong vùng nguy cơ cao bị sóng biển đánh sập (nếu tiếp tục có sóng to, gió lớn- P.V). Trước mắt, chính quyền địa phương đã thông báo, đề nghị người dân sống trong 4 ngôi nhà này thực hiện sơ tán, tìm nơi tránh trú an toàn.

Được biết, 4 ngôi nhà trên có cùng 1 sổ - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Nguyễn Văn K. (đã mất để lại) cho 4 anh em ruột. Trong đó ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Phụng bị thiệt hại nặng nhất…

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, đoạn bờ biển qua P. Cẩm An, Cửa Đại bị sạt lở do triều cường, sóng biển đánh mạnh vào bờ là đoạn chưa được Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố. Tuy nhiên, để hạn chế thiệt hại gây ra, UBND TP Hội An đã huy động nhân lực và ngân sách tại địa phương đã xây dựng hệ thống kè mềm bằng cọc tre, bao cát kết hợp với tuyến phi lao ven biển… Song, do ảnh hưởng của 3 cơn bão: Noru, Sonca và Nesat đổ bộ vào Biển Đông trong vòng chưa đầy một tháng qua đã gây sóng lớn, phá tan hoang đoạn bờ kè cả trăm mét. Sau khi vượt qua các "chướng ngại vật" này, nước biển tiếp tục lấn sâu vào bờ, "ngoạm" trơ gốc phi lao rồi tiếp tục “tấn công” một số ngôi nhà của người dân nằm sát bờ biển. Trước tình hình đó, UBND TP Hội An đã báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra để sớm có phương án xử lý…

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài 4 hộ dân kể trên do ảnh hưởng của bão No-ru và Nesat, có nhiều nhà hàng phục vụ khách du lịch tại khu vực bãi biển An Bàng (P. Cẩm An) và khu vực bãi tắm Cửa Đại (P. Cửa Đại) đã bị gió thổi trơ mái, một số bị sóng biển khoét sâu, dẫn tới nền nhà đổ sập, trôi tuột xuống đoạn bờ kè. Ông Nguyễn Văn Phụng, kể: “Sau bữa cơm tối, gia đình tôi chứng kiến từng đợt sóng cao 3-4m đang "ngoạm" vách nhà mình. Chẳng bao lâu, nước biển xâm lấn, tràn lên nhà rồi băng qua đường. Lo sợ triều cường sẽ gây ngập sâu nhà cửa, đánh sập nhà…, anh em chúng tôi thu dọn đồ đạc, đưa con cái đến nhà bà con ở xa bờ biển lánh nạn. Sáng hôm sau, chúng tôi quay về nhà thì không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt”. Cũng theo ông Phụng, thiệt hại mỗi nhà mỗi kiểu, nhà bị sóng khoét sâu vào chân móng, có nhà bị sập tường…, nhưng đều có cùng một điểm chung là tan tác, luôn ở trong tình trạng đổ sập lúc nào chẳng hay.

Sóng lớn đánh làm nước biển xâm thực sâu vào bờ, sập móng, uy hiếp các công trình nhà ở của người dân.

Trước thực trạng đó, để bảo vệ những phần còn lại của công trình, từ ngày 21-10 đến nay anh chị em nhà ông Nguyễn Văn Phụng cấp tốc góp tiền mua hàng chục ống bi bằng bê-tông để "vá" tạm thời đoạn móng nhà bị sóng đánh xói lở, đổ đất cát gia cố thêm cho phần chân móng và bờ biển. Tuy nhiên, theo nhiều người thì đây chỉ là giải pháp tạm thời, chẳng khác gì “bẻ nạng, chống trời”. Vì, muốn hạn chế hoặc khắc phục tình trạng xâm thực của biển do sóng lớn gây ra đòi hỏi phải có những kết quả quan trắc dòng hải lưu, hướng gió… dựa trên nền tảng khoa học để có giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, điều này cần phải có thời gian…

Từ thực tế diễn ra tại bờ biển Cửa Đại đoạn qua P. Cẩm An, thiển nghĩ, mùa mưa bão tại khu vực miền Trung còn dài. Các hiện tượng cực đoan về thời tiết, như: áp thấp nhiệt đới, bão… vẫn thường xuyên xảy ra nên nguy cơ sạt lở nặng tại khu vực bờ biển Cửa Đại đoạn qua P. Cẩm An xảy ra là rất cao. Do đó, trước mắt chính quyền địa phương cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người dân ngăn chặn nạn xâm thực bờ biển do sóng biển gây ra, hạn chế những thiệt hại không đáng có xảy ra.

M.T