Bờ biển Quảng Trị tan hoang sau bão
Sóng dữ dội cao 4 đến 5m trong cơn bão Vamco đã đánh toác nhiều đoạn bờ, đê ven biển kéo từ phía bắc Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị), qua bãi tắm Cửa Tùng đến tận xã Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Sạt lở bờ biển có nơi ăn sâu vào đất liền đến 10m, nhiều hàng quán tại đây bị xóa sổ, phi lao chắn cát cũng bị "xóa sổ". Trước cảnh tượng đó, người dân vùng biển đến đắng lòng xót xa.
Nhiều hàng quán và phi lao đổ rạp khi sóng đánh toác bờ. |
Ngày 17-11, nắng hé sớm như muốn "nội soi" bờ biển xã Gio Hải (H.Gio Linh) sau nhiều ngày mưa bão, mây xám xịt. Đứng ở bãi tắm Gio Hải, nổi tiếng không kém bãi tắm Cửa Việt cạnh đó, phóng tầm mắt về phía bắc, chỉ thấy một dải dài sạt lở đến tận phía nam cầu Cửa Tùng. Cả quãng dài, gồm gần 6km bờ biển thuộc xã Gio Hải và 7,5km xã Trung Giang (H.Gio Linh) đã bị xâm thực nghiêm trọng. Chỉ tay ra phía những con sóng vừa xô vào, anh Nguyễn Văn Cường cho biết mấy ngày trước hàng phi lao còn rít gió chỗ đó. Rất nhiều lối mở ra biển để hoạt động đánh bắt thủy sản cũng sụp theo sạt lở, tấm bê tông gãy oằn cắm sâu vào cát như nỗ lực chỉ dấu một thời gắn bó cùng ngư dân.
Theo thống kê ban đầu, bãi biển xã Gio Hải bị sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 5-10m với chiều dài 5,8 km, làm hư hỏng, sập đổ 15 quán kinh doanh của người dân. "Thiệt hại ni chưa thể đo đếm được, quá lớn. Ai ngờ sóng đánh dữ dội đến mức nớ chớ", anh Cường cho hay. Tâm trạng của anh Cường cũng như nhiều bà con tha thiết đời ngư dân nơi đây khi chứng kiến nhiều thứ tan hoang. Nhìn xuống bờ bỗng thấy như trôi mắt xuống vực, hụt chân đến hoảng.
Sạt lở nghiêm trọng, cuốn cả khối bê tông trên bờ ra xa. |
Trong khi đó, tại biển Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh), bờ biển bị xâm thực toàn tuyến, từ 5 đến 10m, có nhiều đoạn tan tành như công trường. Xã này có khoảng 14,5 km đê biển có chức năng ngăn mặn, chống xâm thực, bảo vệ đất đai, nhà cửa, hoa màu và cũng là tuyến giao thông chính của xã. Nhưng những cơn bão vừa qua, đặc biệt bão số 13 đã khiến hơn 12km đê biển bị hư hại nặng, với hàng ngàn mét khối đất bị cuốn trôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đường cứu hộ trên biển và các khu dân cư. Nhiều công trình dường dẫn xuống bãi biển giờ chỉ còn trơ khung, khối bê tông tam cấp chênh vênh, để hỏng khoảng trống toang hoác phía dưới. Vĩnh Thái cũng có bãi biển đẹp, thu hút rất nhiều du khách nhưng thiệt hại nặng nề sau cơn bão này khiến nhiều bà con kinh doanh dịch vụ thực sự lo lắng khi hàng quán bị hư hại không ít. Trước mắt, xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đối với người dân không đi lại vào khu vực bị sạt lở nghiêm trọng; huy động nhân lực và phương tiện khắc phục tạm thời những điểm bị hư hỏng trong khả năng cho phép để tránh tình trạng bị xói lở thêm khi có mưa to. Hiện nay UBND xã Vĩnh Thái và H.Vĩnh Linh đã có báo cáo hiện trạng, kiến nghị đề xuất lên các cơ quan liên quan để sớm có phương án khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng đối với hệ thống đê biển của xã này.
Ghi nhận tại bãi tắm Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh), 150m vỉa hè bờ đê chắn sóng biển tại bãi tắm tan hoang; 20 nhà chòi tại bãi tắm bị hư hỏng. Vĩnh Linh cũng là địa bàn có diện tích cây trồng hàng năm bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, có 6ha cây ăn quả, gần 60ha cây cao su, hơn 200 ha diện tích cây hồ tiêu và hàng chục ha rừng trồng. Kim Thạch và Hiền Thành là 2 xã bị thiệt hại nặng nề cả về hồ tiêu, cao su và diện tích cây hàng năm. Ở thời điểm này, bà con đang nỗ lực cứu những diện tích cây trồng, cao su và hồ tiêu bị đổ, hư hỏng. "Cứ ngỡ bão nhẹ nhưng thiệt hại nặng, bão lũ bữa ni khôn lường quá", chị Nguyễn Mai Lan cứ thất thần nhìn về vườn cây tiêu điều đổ rạp.
Bảo Hà