Báo Công An Đà Nẵng

Bộ đội, Công an hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Thứ hai, 03/10/2022 10:55
Hàng trăm cán bộ chiến sỹ Sư Đoàn 324 Quân Khu 4 được điều động giúp chính quyền và người dân khắc phục lũ lụt tại huyện Thanh Chương.

Kỳ Sơn thiệt hại nặng

Theo thống kê ban đầu, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã làm 1 người chết, 15 ngôi nhà bị trôi, 50 ngôi nhà bị ngập, nhiều tài sản của người dân trôi theo dòng lũ.

Ngày 2-10, UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo các lực lượng vũ trang gồm công an, bộ đội, dân quân tự vệ... cùng người dân khẩn trương khắc phục hậu quả do trận lũ ống gây ra.

Trước đó, từ 22 giờ ngày 1-10 đến 1 giờ ngày 2-10 trên địa bàn thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn xảy ra đợt mưa dông rất lớn, lượng mưa đo được gần 115 mm. Đến 2 giờ sáng 2-10, trận lũ ống, lũ quét bất ngờ ập đến xã Tà Cạ. Lũ quét đã gây sạt lở đường và ngập tuyến đường từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn. Thị trấn Mường Xén cũng bị ngập cục bộ nhiều nhà dân, cơ quan đóng trên địa bàn.

Anh Nguyễn Hữu Cầu (hiện đang sinh sống tại thị xã Mường Xén, huyện Kỳ Sơn) cho biết, “Sáng ngày 2-10, dòng nước lũ đục ngầu, chảy xiết tràn qua khu vực thị trấn Mường Xén đã làm một số ô-tô của người dân bị cuốn trôi ra sông, nhiều nhà dân bị đổ sập, cuốn trôi. Nước lũ lên nhanh nên một số người dân phải rời khỏi nhà, chạy lên khu vực cao để đảm bảo an toàn. Trận lũ khiến nhiều tuyến đường, cơ quan, công sở ngập từ 0,5-1m, nước ngập mang theo một khối lượng lớn bùn đất và rác thải vây quanh.

Ngay trong sáng 2-10, ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã trực tiếp có mặt tại địa bàn chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng tham gia ứng cứu, giúp dân sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm, vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn... Hiện trời vẫn đang mưa rất to, nước đang chảy mạnh, nên việc khắc phục chưa thể thực hiện được. Huyện Kỳ Sơn đang huy động máy móc khơi thông dòng chảy và thống kê thiệt hại.

Thống kê ban đầu đến trưa ngày 2-10, trận lũ ống, lũ quét đã làm 1 cháu bé Mùa Ngọc Ch. (4 tháng tuổi ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ) tử vong do nhà của gia đình cháu bị cuốn trôi hoàn toàn. Trận lũ cũng khiến 15 ngôi nhà ở bản Bình Sơn, Cầu Tám và Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị cuốn trôi; 50 ngôi nhà ở bản Bình Sơn, xã Tà Cạ và khối 1 thị trấn Mường Xén bị ngập nước, trong đó có nhiều nhà ngập nặng. Ngoài ra còn có nhiều tài sản có giá trị của người dân bị trôi theo dòng lũ dữ.

Lực lượng vũ trang tham gia dọn dẹp vệ sinh tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương sau lũ.

Ông Lương Văn Biên, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho hay, thị trấn Mường Xén bắt đầu bị ngập từ 3 giờ sáng 2-10, chủ yếu là khu vực khối 1. Ngoài ra một khối lượng bùn, đất đá đổ xuống đường rất dày vùi lấp nhiều xe máy, xe đạp và các vật dụng của người dân, cơ quan công sở. Hiện vẫn chưa thể thống kê được con số thiệt hại, lực lượng chức năng đang cố gắng dùng máy móc để khắc phục hậu quả.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin: Hiện tại tình hình mưa lũ tại Kỳ Sơn đang rất phức tạp, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung huy động các lực lượng tham gia ứng cứu khắc phục hậu quả. Các lực lượng chức năng ở huyện Kỳ Sơn đang khẩn trương sơ tán người dân đến nơi an toàn, tập trung ứng cứu, khắc phục hậu quả. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", phối hợp các đơn vị đảm bảo nhanh nhất thông các tuyến giao thông.

Những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng tại nhiều địa phương tại Nghệ An, lượng mưa phổ biến từ 250 - 500mm. Mưa lũ do ảnh hưởng từ hoàn lưu cơn bão số 4 đã làm 7 người chết, gần 17.500 nhà dân bị ngập.

Một khối lượng lớn bùn đất tràn vào nhà dân và cơ quan công sở ở huyện Kỳ Sơn.

“Nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”

Ngày 1-10, nước lũ ở xã Thanh Mỹ, huyên Thanh Chương bắt đầu rút cũng là lúc các cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội có mặt rất đông để giúp bà con khắc phục hậu quả.

Với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”, gần 150 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324, Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện Thanh Chương, lực lượng dân quân tự vệ xã cùng hàng trăm đoàn viên thanh niên xã Thanh Mỹ cùng nhiều phương tiện, thiết bị cơ động đến xã Thanh Mỹ, thực hiện nhiệm vụ giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả của cơn lũ tại các trường học, nhà văn hóa, nhà dân. Tiếp đó là phun độc, khử trùng và cấp thuốc cho bà con chống lại dịch bệnh sau lũ. Nhìn đống đồ dùng, xe cộ bị lấm lem bùn đất, bà Nguyễn Thị Thuận (xóm Mỹ Hương, xã Thanh Mỹ) chia sẻ, từ đêm 28-9, mưa lớn kéo dài cộng với thủy điện thượng nguồn xả lũ, xã miền núi Thanh Mỹ đã bị nhấn chìm trong biển nước. Chỉ trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ mà mực nước lũ dâng rất nhanh. "Nước từ khe chảy xuống ào ào cộng với lượng mưa lớn khiến lũ lên nhanh kinh khủng, chúng tôi chỉ kịp di dời một số vật dụng lên gác rồi gọi chính quyền hỗ trợ đưa sang nhà văn hóa, còn nhiều đồ dùng, xe cộ, tài sản không kịp sơ tán, phải chấp nhận bị lũ nhấn chìm" - bà Thuận cho biết.

Là gia đình có hoàn cảnh, neo người, bố mẹ già yếu, khi cơn lũ lên quá nhanh chị Nguyễn Thị Thúy Bình (trú xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương) đã không kịp thu dọn, sơ tán tài sản nên nhiều vật dụng chìm trong nước. Khi các lực lượng tình nguyện có mặt, cùng gia đình vận chuyển đồ đạc ra ngoài, bơm nước dọn rửa, vệ sinh sàn nhà và các vật dụng khác, chị Bình hết sức xúc động và rối rít cảm ơn các cán bộ, chiến sỹ đã đến giúp đỡ bà con lúc khó khăn.

Năm nay, nước lũ dâng nhanh khiến nhiều hộ dân xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương không kịp trở tay. Nước đến 1,5m chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ, thấp hơn đỉnh lũ năm 2020.

Đại tá Lê Doãn Anh - Phó Chính ủy Sư đoàn 324 cho biết, chúng tôi rất chia sẻ với những mất mát, khó khăn mà bà con đã phải gánh chịu trong đợt lũ vừa qua. Với khả năng của mình, chúng tôi giúp đỡ bà con vận chuyển nhu yếu phẩm, khắc phục đường sá, vệ sinh các khu vực đường, trường, trạm, chợ... với mong muốn một phần nào giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Chợ Thanh Mỹ là khu vực bị ngập lụt nặng nhất xã, nhiều tiểu thương chỉ kịp thu dọn một phần hàng hóa trước khi cơn lũ ập đến. Dù nước đã rút nhưng hoạt động kinh doanh buôn bán vẫn đang bị ngưng trệ. Các lực lượng tình nguyện giúp bà con vệ sinh nền chợ để sớm hoạt động trở lại. Do vẫn chưa có điện trở lại nên các lực lượng tình nguyện phải sử dụng máy phát điện để bơm nước hoặc xách nước dội rửa, vệ sinh môi trường.

Được biết, địa bàn xã Thanh Mỹ ngoài khu vực chợ Thanh Mỹ, trụ sở trạm y tế, trường học, toàn xã có 500 hộ dân bị ngập nặng, hư hỏng tài sản, cần được hỗ trợ dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống.

Nhiều ô-tô, xe máy ở huyện Kỳ Sơn bị cuốn trôi và chôn vùi trong đất cát.

Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, sáng 1-10, lũ tại các xã vùng thấp của huyện đang có dấu hiệu rút. Đối với các xã đã rút lũ, chính quyền địa phương vận động nhân dân cùng lực lượng tại chỗ nhanh chóng thu dọn, khắc phục hậu quả để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ gia đình chính sách, người già, neo đơn. Với những địa phương bị ngập nặng, huyện sẽ huy động sự giúp đỡ của các đơn vị lực lượng vũ trang hỗ trợ khắc phục để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Trong những ngày tới, Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An và công an các địa phương tiếp tục phối hợp lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân toàn huyện khắc phục hậu quả cơn lũ theo phương châm nước rút tới đâu, khắc phục tới đó. Cùng với việc khắc phục hậu quả ngập lụt, công tác xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh cũng sẽ được triển khai ngay khi nước rút, hạn chế thấp nhất khả năng bùng phát dịch bệnh sau lũ.

Như vậy, tính đến ngày 2-10, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 8 người tử vong do lũ, gần 17.000 căn nhà bị ngập, hơn 2.000 hộ dân phải di dời, 1.500 hộ dân bị chia cắt, nhiều công trình, đường giao thông, diện tích cây trồng, vật nuôi bị hư hỏng, cuốn trôi.

Dương Hóa