Bỏ giảng đường đi bán móc khóa
(Cadn.com.vn) - Du khách nhiều nơi trên thế giới đã tìm tới không gian cà-phê – sản phẩm lưu niệm Danang souvenirs để chọn cho mình những món quà nhỏ xinh, ý nghĩa làm kỷ niệm khi ghé thăm phố biển. Ít ai biết, tạo dựng lên không gian đặc trưng ấy là một nhóm bạn trẻ đầy quyết tâm, khát vọng và trên hết là tình yêu với thành phố quê hương mình.
Khi người trẻ tự ái…
Bùi Đức Tuấn (1987), một trong những thành viên tạo dựng nên Danang souvenirs, kể rằng, trước khi “bán móc khóa và mơ giấc mơ to lớn về một nền du lịch hùng mạnh tại Đà Nẵng” thì Tuấn đã đi dạy đại học. “Tôi đã sống một cách an toàn, an nhàn trong suốt 3 năm. Tôi thấy đó không phải là một cuộc sống mà tôi nên theo đuổi, đó là cuộc sống mà cha mẹ tôi, những người nông dân cả đời với nắng sương mong muốn”… chàng trai trẻ bộc bạch về cuộc sống của mình trước khi có một quyết định táo bạo trong sự nghiệp của mình.
Thị trường sản xuất hàng lưu niệm ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng hiện nay còn khá “ảm đạm”, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu được làm ra để xuất khẩu, trong khi đây là một trong những công cụ phụ trợ đắc lực cho ngành du lịch. Ngay cả với những doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố nhằm đẩy mạnh mặt hàng này để phục vụ phát triển du lịch cũng sản xuất khá cầm chừng vì… tiêu thụ rất chậm. Một bức tranh… ảm đạm như vậy nhưng chàng trai trẻ Bùi Đức Tuấn và các bạn mình vẫn quyết định chọn hướng đi này để khởi nghiệp.
Theo Tuấn, lý do mà họ liều lĩnh tham gia lĩnh vực này, đó là vì đam mê và vì muốn thử sức. “Hầu hết du khách đến Đà Nẵng ai cũng nói thành phố chỉ là một trạm dừng chân cỡ lớn, chẳng có chi chơi ngoài ăn ngon, đường sạch, người dân vui và hiền hậu. Và ai cũng nói, Đà Nẵng không có một loại sản phẩm lưu niệm thực sự, nhỏ, nhẹ, và mang hình ảnh của văn hóa, con người địa phương nơi đây để du khách có thể mua làm quà, “khẳng định” mình đã đến Đà Nẵng… Những ý kiến như thế đã mở ra cho chúng tôi một sự lựa chọn. Trong nhóm những thành viên khởi lập Danang souvenirs, hầu hết đều có một công việc ổn định, nhưng ai cũng trẻ, cũng muốn thể hiện mình nhiều hơn và đặc biệt ai cũng là người con Đà Nẵng, cũng sẵn trong người cái tính cầu thị và dễ chạm tự ái, nên đã quyết tâm bắt tay vào thực hiện”.
![]() |
Bùi Đức Tuấn và các bạn trong Công ty Danang souvenirs. |
Những sản phẩm mang hình ảnh Đà Nẵng
Tuấn chia sẻ, ngày mới thành lập, Danang souvenirs cái gì cũng thiếu: không có văn phòng làm việc, ngay cả công việc thiết kế cũng phải đi mượn tạm... một phòng học của trung tâm gia sư trên đường Trần Cao Vân. Tuấn cười, giờ nghĩ lại chắc nhiều bạn sinh viên kiến trúc đến với nhóm lúc đó cho rằng công ty này có vấn đề, địa điểm tạm bợ mà bày vẽ tuyển dụng. Bản thân Tuấn cũng tiếp nhận vai trò giám đốc điều hành với sự non nớt của một người mới bước vào kinh doanh.
Tuấn cho biết khi đó tôi không biết gì nhiều về nhân sự, thiết kế, marketing, tài chính kế toán, chỉ có một số kinh nghiệm từ việc điều hành nhóm anh em chuyên làm các chương trình quảng cáo, sự kiện thời sinh viên… Nhưng đó là lúc tập thể thể hiện sức mạnh của mình. Các thành viên trong nhóm với các chuyên môn riêng đã đồng tâm hiệp lực hỗ trợ hết mình từ thiết kế đến kinh doanh, đến nhân sự. Nhờ vậy mà việc điều hành của Tuấn thuận lợi và trôi chảy hơn.
Với tổng chiều dài di chuyển toàn bộ khu vực từ Quảng Nam đến Quảng Bình gần 400 km, với một loạt các di sản thế giới thì rõ ràng khu vực này có một tiềm năng cực kỳ to lớn. Sự liên kết du lịch giữa các địa phương trong thời gian qua cũng mang lại nhiều tín hiệu lạc quan. Vì vậy, để có thể đa dạng các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách, nếu chỉ một mình Danang souvenirs thôi thì chưa đủ mà cần có nhiều hơn nữa các cơ sở cùng đầu tư, thiết kế các sản phẩm lưu niệm đặc trưng... |
Tuấn kể lại, khi khởi nghiệp, cũng đã có một số người nói nhóm thành viên Danang souvenirs "thần kinh không bình thường", bởi đem số tiền đầu tư đó kinh doanh lĩnh vực khác hay làm quán nhậu thì có khi 1 năm mỗi đứa kiếm vài trăm triệu. Nhưng điều đó vẫn không làm các bạn trẻ lung lay, bởi sự đồng tâm và bởi tình yêu thành phố một cách chân thành. Chỉ có chân thành các bạn mới có thể kiên trì, mạnh dạn, liều lĩnh dốc toàn bộ tiền bạc vào việc mà chưa ai chịu làm này.
Thành công lớn nhất của Danang souvenirs hiện tại là đã đưa 81 chủng loại sản phẩm lưu niệm mang hình ảnh Đà Nẵng gửi đến khắp nơi trong và ngoài nước như là một món quà nhỏ về thành phố biển xinh đẹp này cho bạn bè du khách. Điều các bạn trẻ này tâm đắc đó là tất cả các sản phẩm đều được trau chuốt trong thiết kế, ẩn chứa bên trong một ý nghĩa nào đó về con người và văn hóa Đà Nẵng. Tuấn nói: “Đó là lao động sáng tạo có trách nhiệm với chính đồng vốn mình bỏ ra và quan trọng là cái chúng tôi bán ra nó là một phần của Đà Nẵng”.
Khi mới mở Danang souvenirs các bạn trẻ trong nhóm hướng tới 80% du khách là người Việt (trong gần 3 triệu khách đến Đà Nẵng năm 2013 thì 80% là du khách nội địa) nhưng khi kinh doanh rồi các bạn mới thấy, lượng mua chủ yếu là người nước ngoài, các nhóm khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Indonesia… chứ không phải là người Việt. Một phần có thể là văn hóa lưu niệm của du khách Việt chưa mạnh, một phần có ý kiến nhận xét là sản phẩm Danang souvenirs có giá thành cao so với khách Việt. Tuấn chia sẻ: “Chi phí để cho ra một sản phẩm lưu niệm thực sự rất lớn. Hãy hình dung, với một cái móc khóa giá 1 đô la, để nhà sản xuất chấp nhận thực hiện thì phải làm 1.000 cái, tức là phải tiêu tốn 1.000 đô la. Mỗi năm, cần đa dạng và duy trì 100 đến 150 thiết kế thì rõ ràng đơn vị kinh doanh phải bỏ ra tối thiểu 150.000 đô la để chi riêng cho sản phẩm. Nhìn nó rất nhỏ, nhưng tổng hợp lại, giá trị đầu tư là rất lớn”.
Hải Quỳnh