Báo Công An Đà Nẵng

Bỏ hàng chục tỷ đồng thuê khách sạn ba sao cho công nhân lưu trú để duy trì sản xuất

Thứ bảy, 04/09/2021 11:23

Từ 16-8 khi Đà Nẵng thực hiện giải pháp cấp bách chống dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đã thuê khách sạn Công đoàn Thanh Bình (cách nhà máy 15 km) cho 500 công nhân lưu trú, thực hiện “một cung đường, hai điểm đến” để truy trì sản xuất. Tới ngày 5-9, chi phí thực hiện giải pháp này tốn khoảng 11 tỷ đồng.

Công nhân thực hiện bữa ăn trong điều kiện giãn cách để chống dịch.

Chia sẻ với Phóng viên Chuyên đề Công an Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt- Tổng giám đốc Công ty nói, so với thực hiện giải pháp “ba tại chỗ” ở Công ty thì chi phí thuê khách sạn cho công nhân lưu trú thực hiện “một cung đường, hai điểm đến” tốn kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Công ty, công nhân sau giờ làm cần không gian yên tĩnh nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Nếu ở tại nhà máy thực hiện “ba tại chỗ” trong môi trường vận hành công nghiệp, máy móc chạy theo guồng sẽ không đảm bảo sức khỏe.

Việc duy trì sản xuất giúp Công ty tránh tiêu tốn mỗi tháng từ 20-30 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nhựt, trong điều kiện dịch bệnh, chi phi bỏ ra thực hiện các giải pháp nhằm duy trì sản xuất vô cùng tốt kém. Nhưng nếu dừng sản xuất, mỗi tháng Công ty sẽ tiêu tốn từ 20-30 tỷ đồng. “Tài sản hiện sắm ra rồi, nếu không sản xuất mỗi tháng cũng mất đi vài chục tỷ đồng tiền khấu hao, rồi cho công nhân nghỉ cũng phải trả lương, rồi chi phí lãi vay để mua vật tư, nguyên liệu…Chưa kể, Công ty phải giữ lao động, trong giai đoạn dịch dã thế này, để người lao động về địa phương rồi, không biết lúc nào mới có thể khởi động làm việc trở lại. Suy đi tính lại, duy trì sản xuất trong bối cảnh này dẫu phát sinh chi phí cao hơn trạng thái bình thường rất nhiều thì vẫn phải thực hiện”- Ông Nhựt nói.

Công nhân duy trì xét nghiệm 3 ngày/lần.

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Đà Nẵng vẫn phức tạp, sau ngày 5-9 TP vẫn tiếp tục áp dụng các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch. Do đó, áp lực duy trì sản xuất, chống suy thoái kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” với các doanh nghiệp rất lớn. Tiến tới, các doanh nghiệp sẽ phải thích ứng trong điều kiện “sống chung với dịch bệnh”. Vì vậy, những giải pháp để duy trì sản xuất như của Công ty Cao su Đà Nẵng đáng để tham khảo. Theo ông Nhựt, trong trạng thái bình thường, doanh thu xuất khẩu của Công ty từ 10-12 triệu USD/tháng. Trong tháng 8 vừa qua, dù dịch dã, sản xuất khó khăn, doanh thu xuất khẩu vẫn đạt khoảng 9,2 triệu USD.

Xe đưa đón công nhân từ khách sạn đến nhà máy.

Điều này chứng tỏ các giải pháp duy trì sản xuất thích ứng với điều kiện, bối cảnh dịch bệnh của Công ty đã phát huy hiệu quả.

HẢI QUỲNH