Báo Công An Đà Nẵng

Bờ lau ký ức

Thứ năm, 28/10/2021 16:27

Đọc những câu thơ về vùng quê núi liếp mấy tầng Trung Phước, Nông Sơn của cố nhà thơ Tường Linh tôi lan man nhớ về những bờ lau đậm dày ký ức. Ở đó mẹ cha ta tóc mây cũng phất phơ như những bông lau trắng thao thiết một đời ấp ủ bờ bãi sông quê. Một tiếng chim vịt kêu nước ròng như mang cả nỗi lòng của người xa quê. Nghĩ về mẹ cha sao tôi cứ mãi suy tư về những bờ lau vùng quê ngập tràn mưa nắng.

Lau trắng triền sông.

Mùa này lũ đã trắng đồng, sông suối đã no tràn bụng nước, gió từng đợt mang theo mưa như thấm lạnh cả chiều. Không biết từ bao giờ lau càng già càng nở ra những bông thật trắng để gió từng đợt về như vò xé thân lau... và chính những lúc gió mưa như thế đó chim chóc lại tụ về ríu ran đồng cảm. Bờ lau trở thành nơi trú ngụ cho những con vật bé nhỏ, biết sợ lẻ loi, sợ lạnh, sợ ướt át, sợ chia bầy...

Cũng chẳng mấy ai để ý vì sao lau thường mọc ở những bãi hoang, ven sông suối, ao đầm. Lau thuộc loại rễ chùm phát triển rất nhanh để thành bờ bãi. Gió mưa cây lá ngả nghiêng nhưng khi hết gió mưa lau lại long chong thẳng đứng. Ở đâu có lau ở đó cảnh như thêm vắng vẻ, hoang sơ.

Với tôi, bờ lau ven sông Tranh, Hiệp Đức quê tôi còn là ký ức một khoảng trời tuổi thơ những trưa hè đi bắt ốc đá, hái rau dớn cải thiện bữa ăn khi hạt gạo còn chưa đủ no, hay những lúc cùng đám bạn choai choai ra đồng tập cưỡi trâu quần thảo quanh biền, trên những bãi nà ven sông ngỏng tai nghe gió hát, nghe những âm thành từ bờ lau như điệp khúc tự ngàn xưa vọng về mà mường tượng một thuở cậu bé họ Đinh dùng cờ lau tập trận.

Thích nhất với tôi đó là lúc ngắm cảnh những chú chim sắc, chim sâu, chim dột dột sau mùa uyên ương rủ nhau bay vào những đám lau rỉa lấy những nhánh bông về xây tổ. Những con cò lửa thi thoảng bay vụt lên rồi lại thong dong đỗ xuống trong tiếng vỗ cánh phành phạch nghe đã nằm lòng trong một khúc ca dao. Ngày con nước đi qua tuổi đời mới lớn, bất chợt một sớm không đâu lòng nghe xao xuyến để đêm về chợt nhớ nhung bóng hình ai đó thấp thoáng bờ lau với đôi mắt ánh lên ngân ngấn đợi chờ.

Để rồi ai đã thức thâu đêm viết những câu thơ tình từ bờ lau in sóng nước lăn tăn xuôi về những bãi bờ lặng thinh vụng dại, ai đã mím chặt môi ngày tiễn người quê lên phố, trong tiếng nấc nghẹn ngào như có lời dặn dò: “Sớm hôm nơi quê nhà còn mẹ cha anh nhé, còn có em chín đợi mười chờ...”.

Giờ đây, bờ lau xưa vẫn xạc xào ký ức, những bông lau vẫn trắng đến nao lòng. Tôi nhìn kỹ khi những bông lau bạc màu cũng là lúc váng bông lau li ti theo gió bay tràn lên mặt sông từng vòm nhỏ như bột cám an bình trôi theo tiếng mống cá đớp mồi hì hạp đâu đó dưới mấy khóm bèo trôi sát chân lau.

Ra phố có dịp về sông Đầm, vùng Tam Thăng, Tam Kỳ tôi chứng kiến những bờ lau ở đây chẳng buồn no con mắt. Một vùng sông nước đầm phá, chim chóc, hoa bèo đẹp đến không ngờ. Song tôi biết chính bờ bãi lau lách kia đã thổi vào sông Đầm hồn vía một vùng quê, sự hoang sơ đến rờn rợn sông nước miền Tây trong những trang viết của ông già Nam Bộ- Sơn Nam.

 Ở đâu lau cũng là lau. Lau ở sông Đầm và lau ở bãi bờ sông Tranh quê tôi hình như chỉ khác nhau ở sự cằn cỗi và mập mạp. Sự khác biệt nhất đó là sắc bông lau ở sông Đầm nâu vàng chứ không trắng toát mây trời như lau ở quê tôi. Lau sống được trên cạn và cả vùng ngập nước. Lau một đời thuỷ chung sớm nắng chiều mưa, góp mình cùng thiên nhiên và nép mình vào một góc riêng không ồn ả.

Lau gợi trong hồn ta chút u hoài man mác. Những lúc như thế chẳng ai lại không thương về mẹ cha, người yêu, quê nhà, nguồn cội. Bất chợt tôi lại bị ám ảnh bởi những câu thơ của cố nhà thơ Tường Linh viết trong bài Lý qua cầu bên sông Thu Bồn tiết thanh minh năm 1994 có đoạn:

“Nước vô tình giữ mãi một tầm sâu, bờ bao tuổi mà bông lau trắng thế, sông huyền thoại chảy theo lời mẹ kể, mẹ kể hoài thêm nhánh rẻ vào thơ...” để rồi đến một ngày chỉ còn “bó hoa muộn trước mộ người tả ngạn” khi hoa lau như tóc mẹ trắng xóa một màu...

Tạp bút của

              Võ Văn Trường