Báo Công An Đà Nẵng

GIÁM SÁT VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ CẢI CÁCH TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2016 TẠI BỘ CÔNG THƯƠNG:

Bộ máy cồng kềnh, bổ nhiệm sai sót, đánh giá cán bộ chưa tốt...

Thứ tư, 08/03/2017 10:04

(Cadn.com.vn) - Thực hiện giám sát về ''Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016'', sáng 7-3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Công Thương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (ảnh)
đánh giá tổ chức, bộ máy của Bộ còn cồng kềnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước theo phân công của Chính phủ, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, trong những nhiệm kỳ trước, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, kiến nghị Chính phủ tổ chức sắp xếp bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn đầu mối (trước khi hợp nhất, Bộ Công nghiệp có 14 đơn vị hành chính, Bộ Thương mại có 19 đơn vị hành chính), hợp nhất các cơ quan báo chí của Bộ. Hiện, theo Nghị định số 95/2012/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Bộ hiện có 30 đơn vị hành chính, trong đó có 19 vụ và tương đương, 1 tổng cục, 10 cục.

Trong giai đoạn 2011-2016, công tác tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ ở các cấp đã được thực hiện về cơ bản đảm bảo theo các quy định. Độ tuổi bổ nhiệm của cán bộ lãnh đạo đã dần được trẻ hóa, tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm tăng theo từng năm. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong độ tuổi từ 30-40 đối với cấp vụ chiếm 43,6%, tỷ lệ nữ trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp vụ chiếm 13,6%.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đánh giá, tổ chức, bộ máy của Bộ còn cồng kềnh (có nhiều đầu mối đơn vị hành chính nhất trong các bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ). Công tác tuyển dụng, trong đó có tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo vẫn còn nhiều sai sót. Công tác đánh giá cán bộ còn thực hiện chưa tốt. Công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ đi cơ sở còn ít, hiệu quả chưa cao. Số ít cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp...

Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh; Quy định về thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý để phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm sửa đổi Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo...

Đoàn giám sát đánh giá báo cáo của Bộ Công Thương được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh đầy đủ tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Bộ; đề xuất các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện. Tuy nhiên, báo cáo còn thiếu nhiều bảng biểu thống kê nên đoàn giám sát chưa có cơ sở để xem xét một cách toàn diện về kết quả thực hiện cải cách hành chính ở Bộ.

Chỉ rõ công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước ở Bộ Công Thương vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, đoàn giám sát cho rằng Bộ Công Thương đã tự đánh giá một cách chính xác, khách quan về những hạn chế, bất cập của đơn vị mình. Bộ cần có đánh giá thêm về những yếu tố tác động đến việc thực hiện cải cách bộ máy hành chính trong hoạt động của Bộ. Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị, giải pháp có tính tổng thể hơn, toàn diện hơn để đóng góp cho quá trình cải cách tổ chức bộ máy ở nước ta.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến các thành viên, trên tinh thần khách quan, khoa học, sớm hoàn thiện báo cáo để gửi đoàn giám sát tập hợp trình ra Quốc hội xem xét.

Phúc Hằng