Báo Công An Đà Nẵng

“Bộ não” đứng sau tân Tổng thống Iran

Thứ hai, 05/08/2013 12:06

(Cadn.com.vn) - Đó là Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, công cụ giúp Tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani đối đầu với nhiều thách thức.

Tân Tổng thống Hassan Rouhani

Ngày 4-8 (giờ Iran), Tổng thống đắc cử Hassan Rouhani chính thức tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, cho đến nay, so với người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống Hassan Rouhani vẫn là một bí ẩn.

Được giới trẻ và các nhà cải cách ủng hộ trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Rouhani tự hào có một thành tích cách mạng đầy ấn tượng, từng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, và duy trì mối quan hệ sâu sắc với cả lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó có vấn đề: Ông Rouhani sẽ lãnh đạo chính phủ như thế nào? Trong 20 năm qua, ông Rouhani dành phần lớn thời gian đảm nhiệm vai trò chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSR), cơ quan tham mưu cho Hội đồng Điều hợp – đơn vị giữ vai trò cố vấn cho lãnh đạo tối cao Khamenei, về các vấn đề chính trị và kinh tế.

Với kinh nghiệm này, ông Rouhani có “quyền phát triển một xu hướng thực dụng vừa phải” đối với nền chính trị Iran, Tiến sĩ Kayhan Barzegar, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (IMESS) tại Tehran cho biết. Ở đó, ông Rouhani đã lựa chọn được những người giỏi, nhiều người trong số họ rất có thể sẽ được đưa vào chính quyền.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược là cơ quan đứng sau các chính sách
của Tân Tổng thống Rouhani. Ảnh: Diplomat

Đứng sau các chính sách kinh tế

CSR được thành lập vào năm 1989 tại một thời điểm quyết định trong lịch sử Iran. Chỉ 2 tháng sau cái chết của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini, ông Rafsanjani lên nắm quyền Tổng thống trong khi đất nước đang đối mặt với khủng hoảng.

“Một thập kỷ sau cuộc cách mạng, hình dạng của xã hội Iran vẫn khó xác định. Nhiều người không biết, Iran sẽ đi theo hướng một nền kinh tế tự do hay chuyển sang chủ nghĩa xã hội”, Geraldine Brooks đã viết vào thời điểm đó trên tờ WSJ. Khi ông Rouhani từ chối vị trí Bộ trưởng Tình báo để tiếp nhận CSR vào năm 1992, vai trò của cơ quan này được mở rộng từ tư vấn sang hành động. Ông Rouhani đứng sau các chính sách kinh tế đầu tiên gây tranh cãi của Tổng thống Rafsanjani, trong đó có các biện pháp tư nhân hóa nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của đất nước và giảm nguồn cung tiền.

Chính sách tự do kinh tế và chính trị bán độc tài khiến ông Rouhani xung đột với nhiều đại biểu Quốc hội. Nhưng với các nhà cải cách, CSR nhanh chóng trở thành cơ quan chiến lược quan trọng nhất Iran, một “nơi hấp dẫn” dành cho các học giả và trí thức tổ chức các cuộc thảo luận mở về kinh tế, an ninh và các vấn đề văn hóa. Ông Rouhani đảm nhận trách nhiệm mới với sự thích thú. Ông tuyển dụng các nhà tư tưởng như Mahmoud Vaezi, một nhà ngoại giao có ảnh hưởng, người thực hiện các cuộc ngoại giao con thoi của Iran trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh vào năm 1992, và nhà kinh tế Mohammed Bagher Nobakht, người dự tính những thay đổi của nguồn doanh thu từ dầu tại các cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển xã hội. Sau đó, ông Ali Younesi - từng là Bộ trưởng Tình báo dưới thời Tổng thống Khatami - cũng tham gia vào CSR.

Từ đó, ông Rouhani thực hiện thử nghiệm đầy tham vọng: xây dựng một ý thức hệ chính trị  “bảo thủ vừa phải” thay thế.

Nhiệm vụ nặng nề

Các đối tác phương Tây ngưỡng mộ tính khí của Rouhani khi ông làm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran. “Ông ấy chấp nhận quan điểm của người khác và không thể hiện bản thân mình một cách đối lập”, Richard Dalton, cựu Đại sứ Anh tại Iran, cho biết.

Cử tri, những người bầu giáo sĩ ôn hòa này, hy vọng một Iran sẽ tốt đẹp hơn dưới thời ông Rouhani. Đối với ông Rouhani, khôi phục tăng trưởng kinh tế và gỡ rối các chính sách đối ngoại lộn xộn “thừa hưởng” từ ông Ahmadinejad là một điều không dễ. Hiện tại, nới lỏng lệnh trừng phạt và loại bỏ các mối đe dọa từ nước ngoài là ưu tiên đầu tiên của chính quyền ông Rouhani.

An Bình

(Theo Diplomat)