Báo Công An Đà Nẵng

Bộ nào sẽ quản lý giáo dục nghề nghiệp?

Thứ năm, 06/11/2014 06:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 5-11, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, liên quan đến các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng: Hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang bị phân tách thành hai bộ phận do 2 Bộ thực hiện quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm 3 trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề; Bộ GD&ĐT quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Điều này dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, dàn trải, lãng phí... Thế nhưng, giao cho bộ nào trong 2 bộ quản lý dạy nghề vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Phạm Thị Hải (Đồng Nai), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề xuất nên giao cho Bộ GD&ĐT quản lý là phù hợp. Bởi lẽ, Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ quản lý nhà nước về tất cả các hoạt động giáo dục và đào tạo trên phạm vi cả nước. Phân công nhiệm vụ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo cho Bộ GD&ĐT sẽ giúp cho việc xây dựng chương trình đào tạo nghề có hệ thống từ bậc mầm non đến đại học; chương trình đào tạo sẽ mang tính liên thông; việc phân bổ ngân sách cho giáo dục đào tạo sẽ tập trung vào một đầu mối quản lý, sử dụng, góp phần tinh giản biên chế, đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa X.

Các đại biểu thảo luận ở Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Trái với luồng ý kiến trên, các đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) lại tán thành với cơ quan soạn thảo là giao cho Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh: Từ khi Bộ LĐ-TB&XH được phân công quản lý nhà nước về dạy nghề, hoạt động này đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giáo dục nghề nghiệp, mang lại hiệu quả toàn diện từ số lượng, chất lượng tay nghề và kỹ năng thực hành của người lao động, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt kiến nghị để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong quản lý và phát triển hệ thống dạy nghề thời gian qua cũng như tạo thuận lợi cho việc gắn kết đào tạo kỹ năng nghề với quản lý lao động và việc làm, cần giao cho Bộ LĐ-TB&XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, riêng mảng đào tạo sư phạm chuyển về Bộ GD&ĐT.

P.H