Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp Đà Nẵng đột phá và phát triển
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị và Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội xây dựng TP Đà Nẵng trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, là Thành phố cảng biển, đô thị quốc tế.
Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội
Về thực tiễn, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường. Tuy nhiên, TP còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của UBND quận, phường; về liên thông cán bộ và biên chế công chức phường; về thẩm quyền của HĐND quận, phường. Nghị quyết số 119/2020/QH14 chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa.
Mục đích xây dựng dự thảo Nghị quyết là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14; tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội nêu trên.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng. Các chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm. Trong đó, chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, bày tỏ ý kiến.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, qua thời gian thực hiện Nghị quyết 119, Đà Nẵng đã vươn mình mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao. Đà Nẵng sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa nếu có cơ chế đặc thù. Với 30 cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Ngân góp ý làm đồng bộ thì "sợ không đủ lực", Đà Nẵng nên chọn thứ tự ưu tiên để có bước đi vững chắc. Trước mắt cần tập trung xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xây dựng thí điểm Khu thương mại tự do, Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt ở những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore, Trung Quốc… Qua hơn 30 năm, Khu thương mại tự do đã phát triển rất hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của các nước này.
Đối với Việt Nam có bờ biển dài, đẹp với 3.260 km và hiện đã quy hoạch có hơn 34 cảng biển quốc tế, đây là điểm rất thuận lợi cho Đà Nẵng đi đầu trong thực hiện cơ chế thí điểm này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, có thêm một số cơ chế để Đà Nẵng triển khai thí điểm Khu thương mại tự do, tạo tiền đề nhân rộng ra các địa phương khác. Khi Đà Nẵng triển khai thành công, có thể nhân rộng ngay ra các địa phương khác có lợi thế tương tự, có rất nhiều cảng kết nối được với Khu thương mại tự do như cảng Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cần Thơ, Trà Vinh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi…
Cũng cho ý kiến về chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Trong khi đó, đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng thí điểm. Đồng tình với chính sách này nhưng theođại biểu, đây là mô hình đầu tiên, chưa có tiền lệ ở nước ta nên trong quá trình triển khai thực hiện cần có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm.
Tán thành việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểuHà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) nêu ý kiến, để thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy thì không thể thiếu các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút và trọng dụng nhân tài. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm 3 chính sách vào dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện các chính sách đặc thù. Đó là cơ chế, chính sách xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài; các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khi thực hiện cơ chế đặc thù
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ sự quan tâm về các nội dung liên quan đến dự thảo Nghị quyết. Bày tỏ nhất trí với những cơ chế đưa ra trong dự thảo nghị quyết, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để có thể áp dụng được những cơ chế đặc thù cho TP phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng bên cạnh việc cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do, cũng nên bổ sung cả khu tài chính tự do. Nếu thành lập khu thương mại - tài chính tự do sẽ thu hút được rất nhiều các nguồn lực tài chính cũng như có điều kiện thí điểm được nhiều cơ chế tài chính với Đà Nẵng và trên thực tế có rất nhiều các quốc gia đã thành công khi thành lập được khu tài chính tự do.
Đại biểu cho biết thêm, hiện nay có một số các doanh nghiệp đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại đăng ký thành lập ở nước ngoài, bởi vì những nước này có những cơ chế thu hút tài chính đặc biệt. “Chúng ta cũng nên bổ sung cơ chế này đối với TP Đà Nẵng để thu hút được nguồn tài chính và trong tương lai không xa, tôi hy vọng rằng nếu như chúng ta bổ sung cơ chế này, Đà Nẵng cũng sẽ sớm trở thành một trung tâm tài chính của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, bởi Đà Nẵng có đầy đủ các lợi thế để làm điều này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Cũng bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế đặc thù cho phép Đà Nẵng thành lập khu thương mại tự do, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) lưu ý đến công tác quản lý của Nhà nước và thanh tra, kiểm tra thường xuyên của hệ thống cơ quan quản lý như thế nào để đảm bảo khu thương mại tự do không trở thành nơi phát sinh ra những vấn đề về tội phạm. “Chúng ta phải lường trước nguy cơ sản xuất, chế tạo hàng cấm, hàng giả; rồi cách vận chuyển, trung chuyển thông thoáng có thể tạo ra một địa điểm trung chuyển ma túy hoặc các hàng hóa phạm pháp khác. Tôi cho rằng cần hết sức lưu ý những điều này khi thí điểm thực hiện khu thương mại tự do tại Đà Nẵng”, đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) cho biết, trong các cơ chế đặc thù dành cho Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh hơn nữa nguồn đầu tư dành cho công nghệ cao. Theo đại biểu, việc Quốc hội xem xét thông qua bổ sung thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy Đà Nẵng phát triển toàn diện, đặc biệt là phát triển về lĩnh vực công nghệ cao sẽ là cơ sở để thành phố này trở thành trung tâm công nghệ chế tạo, công nghệ phục vụ cho sự phát triển số của Việt Nam.
Đại biểu cũng đánh giá cao trong gói 30 chính sách đặc thù dành cho Đà Nẵng, có những chính sách rất cơ bản và chuyên sâu, toàn diện, phát triển khu công nghệ cao kết hợp với phát triển khu thương mại tự do. Từ đó, đại biểu kỳ vọng những trung tâm, khu công nghệ cao ở Đà Nẵng sẽ sớm được hình thành bằng những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là một số cơ chế, chính sách đặc thù sắp được Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo đại biểu, để hiện thực hóa sớm và nhanh những cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ và TP Đà Nẵng cần nghiên cứu sớm ban hành các văn bản thực hiện Nghị quyết.
Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ bản các ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về phát triển TP Đà Nẵng nhằm đạt mục tiêu các Nghị quyết của Trung ương đã đề ra; góp phần tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là Thành phố cảng biển, đô thị quốc tế, phát triển không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà thúc đẩy lan tỏa phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cho rằng các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến thảo luận tại Tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.
B.T – TTXVN – Q.H