Bổ sung nhiều nhân sự cấp cao của Chính phủ
(Cadn.com.vn) - Sáng 13-11, với 93,57% số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt QH chúc mừng hai Phó Thủ tướng mới và tin tưởng hai Phó Thủ tướng sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Đề nghị phê chuẩn ông Nguyễn Văn Nên
Cũng trong buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc Tờ trình đề nghị phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên. Ông Nguyễn Văn Nên sinh ngày 14-7-1957, có trình độ Cử nhân Luật, từng giữ các chức Trưởng Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh); Bí thư Huyện ủy Gò Dầu; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Ủy viên T.Ư Đảng khóa XI; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; hiện đang là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.
Theo Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, là cán bộ được rèn luyện qua thực tiễn công tác từ cấp huyện, tỉnh và T.Ư. Ông Nguyễn Văn Nên luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công; có đủ phẩm chất và năng lực đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Sau đó, QH thảo luận tại Đoàn ĐBQH về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ông Vũ Đức Đam Ông Phạm Bình Minh Ông Nguyễn Văn Nên |
Hạn chế hậu quả do phá sản gây ra
Cũng trong buổi sáng, QH nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), do Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi các quy định của Luật Phá sản 2004 còn nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành, đồng thời bổ sung những quy định mới để kịp thời điều chỉnh những vấn đề đã và đang phát sinh trong thực tiễn mà chưa được Luật hiện hành quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Luật Phá sản 2004 gồm 9 chương và 95 điều, Dự thảo Luật bổ sung 3 chương thành 12 chương và nâng số điều lên tổng số 124 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi 73 điều và bổ sung mới 44 điều.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi) của Ủy ban kinh tế của QH nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và việc sửa đổi Luật Phá sản còn góp phần quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ủy ban kinh tế đánh giá dự án Luật Phá sản (sửa đổi) so với Luật Phá sản hiện hành đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới như: quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; chế định Quản tài viên; phương thức gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thứ tự phân chia tài sản... Những nội dung này sẽ tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành...
Tìm vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh
Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường Quy hoạch tổng thể về thủy điện và việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh. Toàn tuyến đường Hồ Chí Minh có chiều dài 3.167 Km, sau khi điều chỉnh tăng thêm 16 Km, thành 3.183 Km, trong đó tuyến chính giảm 168 Km, tuyến phía Tây tăng thêm 184 Km. ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, về nguồn vốn đầu tư, cần ưu tiên vốn trái phiếu nhằm sớm hoàn thành đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên để khai thác có hiệu quả đường Hồ Chí Minh đoạn từ Đà Nẵng đến TPHCM, đi theo Quốc lộ 14, nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1A và nối kết giao thông thuận lợi giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, để huy động nguồn đầu tư tư nhân vào giao thông, ĐB đề nghị hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút hình thức đầu tư “công-tư đối tác- PPP”. Hiện nay hình thức đầu tư này chỉ được chế định bằng quyết định của Thủ tướng, còn thấp hơn hình thức BT, BOT được quy định bởi Nghị định của Chính phủ. ĐB đề nghị cần phải nâng tính pháp lý của hình thức đầu tư PPP; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để làm vốn đối ứng thu hút đầu tư tư nhân theo hình thức này.
ĐB đề nghị Chính phủ có chủ trương ưu tiên đến biện pháp và có chính sách lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp tham gia các dự án giao thông theo hình thức PPP, BOT và BT nhằm giảm áp lực vốn Nhà nước đối với các dự án có khả năng thu phí, dùng vốn cho các dự án giao thông thuần túy công ích. Để giải quyết nguồn vốn đầu tư cho giao thông, ĐB đề nghị cần có chính sách đồng bộ phối hợp giữa các chính sách tài khóa và chính sách lãi suất, tạo sự hấp dẫn cho khu vực đầu tư tư nhân.
B.Cầm – H. Hoa – TTXVN