Bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của cô gái Hội An
(Cadn.com.vn) - Du khách đến Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An (TP Hội An) đều thích thú khi chiêm ngưỡng bộ sưu tập độc đáo gồm 50 loại nhạc cụ dân tộc truyền thống từ nhiều vùng miền trên cả nước của chị Đinh Thị Nhật Hạnh (33 tuổi). Hạnh cho biết, từ nhỏ cô đã đam mê nhạc cụ dân tộc nên luôn tìm hiểu kiến thức liên quan đến các loại nhạc cụ. Học hết THPT, Hạnh thuyết phục bố mẹ để thi vào một trường sư phạm âm nhạc tại Nha Trang, khoa nhạc cụ dân tộc. Chuyên môn ngành học giúp Hạnh được tiếp xúc nhiều với âm nhạc, với các loại nhạc cụ và được đi nhiều nơi để tìm hiểu, khám phá và cũng từ đó Hạnh bắt đầu sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc theo sở thích.
Từ những loại nhạc cụ đầu tiên ở Ninh Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng cho đến các tỉnh vùng cao phía Bắc. Đến nay, bộ sưu tập của Hạnh đã phong phú với 50 loại như: đàn bầu, đàn mai rùa, đàn cò, đàn gáo, đàn môi, đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo mèo... "Có cơ hội đến với mỗi nơi mình đều tìm hiểu xem ở đó có loại nhạc cụ truyền thống nào và tìm cách mua lại. Dần dần cũng thành thói quen, hễ đến nơi mà không tìm mua được là mình lại cảm thấy khó chịu", Hạnh bộc bạch. Hạnh kể, có lần gặp được cây đàn mai rùa độc đáo được làm từ mai một con rùa lớn và chỉ sử dụng trong dịp lễ tế của người Chăm của nhạc sĩ Amưh Nhân (tỉnh Ninh Thuận). Hạnh năn nỉ, thuyết phục hết lời để mua lại nhưng nhạc sĩ Amưh Nhân kiên quyết không chuyển nhượng. Tưởng như phải bỏ cuộc và sẽ không bao giờ có được thì may mắn lại đến với Hạnh khi tình cờ gặp lại nhạc sĩ Amưh Nhân trong một lần hội ngộ với một người bạn quen trước đây và bất ngờ đó lại là con gái nhạc sĩ. Khi biết Hạnh là bạn tri âm của con gái mình và nghe con gái kể về niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng của Hạnh, nhạc sĩ Amưh Nhân đã đồng ý trao cây đàn cho Hạnh...
Hạnh bên bộ sưu tập các nhạc cụ dân tộc trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. |
Sắp tới, Hạnh còn có ý định mở một lớp dạy về nhạc cụ truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ ở phố Hội với mong muốn những tinh hoa, hồn cốt dân tộc đáng tự hào sẽ không bao giờ bị mai một.
Phi Nông