Bộ Tài chính giữ quan điểm áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online
Cụ thể, Bộ Thông tin Truyền thông, Công ty VNG, Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp là những đơn vị không đồng tình việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thuyết phục hơn. Với quan điểm ủng hộ việc áp thuế, Bộ Y tế chỉ ra ngành game online có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tâm thần của người chơi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Báo cáo của Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỷ lệ người nghiện game tại Việt Nam là 8,5% và game online đã gây những rối loạn tâm thần, như trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Số liệu ghi nhận tỷ lệ người chơi mắc trầm cảm là 12%, lo âu là 13,5% và rối loạn liên quan đến căng thẳng là 17%. Thêm vào đó, việc nghiện game online làm giảm khả năng giao tiếp xã hội, gây mất ngủ, ảnh hưởng thành tích học tập, công việc và thậm chí nguy cơ rối loạn tâm thần phân liệt. Cụ thể, tỷ lệ người chơi game có kỹ năng giao tiếp kém là gần 22%, kỹ năng xã hội kém hơn 18%. Và, tỷ lệ người chơi bị mất ngủ gần 16% và rối loạn giấc ngủ là 12%.
Do vậy, Bộ Tài chính nhấn mạnh đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử online vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết. Điều này góp phần định hướng tiêu dùng, đặc biết đối với thanh thiếu niên đồng thời mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, ngành game online có sự tăng trưởng nhanh, doanh thu trong năm 2019 đạt 7.580 tỷ đồng, sang đến năm 2021 gần 11.490 tỷ đồng và khoảng 12.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính duy trì đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với những game được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp.
HẠNH NGUYỄN