Báo Công An Đà Nẵng

"Bó tay" với 2 mẹ con ngang nhiên chiếm nhà người khác?

Thứ sáu, 08/12/2017 14:40

Hai mẹ con đều chây ì

Trường hợp đầu tiên là Bà Mai Thị Huệ (người đã bán căn nhà số 32-Nguyễn Thị Định, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) nhưng vẫn chây ì không giao nhà cho người mua (Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh).

GCNQSDĐ đã sang tên cho ông Cường hợp pháp nhưng bà Huệ không chịu giao nhà. 

Thời điểm đó, chính quyền địa phương khẳng định sẽ cương quyết cưỡng chế, buộc bà Huệ trả nhà, song đâu lại vào đấy. Năm 2011, bà Huệ chuyển nhượng ngôi nhà số 32-Nguyễn Thị Định cho vợ chồng ông Phạm Phú Sơn và bà Nguyễn Thị Kiều Ngọc Diễm (trú P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu) với giá 2,4 tỷ đồng. Mọi thủ tục pháp lý đã hoàn tất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã được sang tên cho ông Sơn, bà Diễm. Nhưng bán nhà xong, bà Huệ không chịu giao nhà, nên bị kiện và tòa tuyên buộc bà Huệ trả nhà cho ông Sơn, bà Diễm. Sau đó, Chi cục Thi hành án (THA) Q. Sơn Trà có quyết định thi hành cưỡng chế để giao nhà cho ông Sơn, bà Diễm, nhưng cứ mỗi lần chuẩn bị THA lại dừng (?). Vì không đòi được nhà, tháng 5-2015, căn nhà được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Khắc Lương (trú Q. Liên Chiểu), sau đó ông Lương chuyển nhượng cho gia đình ông Đặng Ngọc Cường và vợ là Lê Thị Đầy (trú P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) với giá 3 tỷ đồng. Cả 3 lần chuyển nhượng, người mua đều thực hiện đầy đủ thuế và được cấp GCNQSDĐ. Nhiều năm qua, UBND Q. Sơn Trà từng chỉ đạo các ngành thành lập hội đồng cưỡng chế để trả lại nhà cho người đã mua, nhưng đến nay vẫn... "bất lực"!

Trường hợp thứ hai là việc Phạm Thị Bời (mẹ ruột của bà Huệ) cố tình chiếm đoạt căn nhà số 12-Phó Đức Chính (P. An Hải Tây, Q. Sơn Trà). Tìm hiểu sự việc, chúng tôi biết người có quyền sở hữu hợp pháp căn nhà này là ông Trần Việt Hùng (trú P. An Hải Tây). Căn nhà số 12-Phó Đức Chính được bà Bời thế chấp tại Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (chi nhánh Đà Nẵng). Do không có khả năng trả nợ, tháng 3-2009, ngân hàng buộc phát mãi căn nhà để thu hồi nợ vay, sau đó tòa tuyên án và THA đã tiến hành các thủ tục để bán đấu giá tài sản. Ông Hùng đã đấu giá thành công với số tiền 670 triệu đồng và đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đủ số tiền qua THA. Ngày 26-5-2016, Văn phòng đăng ký đất đai Q.Sơn Trà thực hiện chuyển nhượng tài sản do trúng đấu giá và cấp GCNQSDĐ cho ông Hùng. Rõ ràng, mọi thủ tục mua bán đều đầy đủ pháp lý, song hơn 1 năm qua, cơ quan THA vẫn chưa có biện pháp nào yêu cầu bà Bời trả lại nhà cho ông Hùng.

Căn nhà số 12-Phó Đức Chính đã được ông Hùng đấu giá thành công, hợp pháp nhưng bà Bời vẫn không chịu giao nhà.

Thi hành án... bất lực?

Trả lời với chúng tôi về trường hợp bà Bời không chịu giao nhà cho ông Hùng, lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà cho biết, vụ việc này đã rất rõ ràng, nhưng khi chuẩn bị tiến hành cưỡng chế là bà Bời lại có đơn khiếu nại, vì thế quận đã có văn bản báo cáo với TP và TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sau đó báo cáo lại TP xem xét. Đại diện cơ quan THA cũng cho hay phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên mới thực hiện được, bởi bà Bời là người có rất nhiều "chiêu" để kéo dài thời gian cưỡng chế. "Giờ chúng tôi cũng đang bó tay, không thể làm tới được, vì bà Bời giở trò khiếu nại, phải chờ TP thôi!", đại diện THA nói.

Đối với trường hợp của bà Huệ, UBND Q. Sơn Trà cho rằng còn vướng về mặt pháp lý, nên phải hỏi cơ quan THA. Còn cơ quan THA thì giải thích: Trước đây tòa tuyên trả nhà cho ông Sơn, bà Diễm, nhưng khi bán đến tay ông Cường không có thủ tục ủy quyền THA nên hiện đang cấn về mặt pháp lý, phải xin ý kiến của Tổng cục THA, hiện vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể. Đại diện THA cũng cho biết thêm, "theo Điều 54 của Luật Thi hành án thì chỉ có thể cưỡng chế nhà giao cho ông Sơn bà Diễm, còn ông Cường là không thể, bởi như vậy là vượt quyền".

Nói về 2 vụ chiếm đoạt nhà, luật sư Đỗ Pháp- Trưởng Văn phòng LS Đỗ pháp tại Đà Nẵng, cho rằng: "Những người mua nhà hoàn toàn hợp pháp. Tôi đã xem kỹ hồ sơ vụ việc và nhìn nhận rõ vấn đề từ những quan hệ pháp lý và các cơ quan chức năng phải buộc bà Huệ ra khỏi nhà". Theo luật sư, việc THA viện dẫn Khoản 2, Điều 54 của Bộ luật Dân sự cho rằng nếu cưỡng chế phải có mặt ông Sơn và bà Diễm, là quá cứng nhắc, không hợp lý, bởi 2 người này không liên quan gì đến ngôi nhà nữa vì thủ tục chuyển nhượng đã xong, đã chấm dứt quyền và nghĩa vụ của 2 người. Tại sao thời điểm THA theo yêu cầu, có ông Sơn, bà Diễm thì THA không thực hiện cưỡng chế? Đó là do THA lúc đó không kiên quyết. Vì không cưỡng chế được nên ông Sơn, bà Diễm phải bán nhà, mà theo luật người sở hữu hợp pháp có quyền sang nhượng, tặng cho ngôi nhà này bất kỳ thời điểm nào, không có ai cấm. "Tôi cho rằng THA buộc như vậy là không đúng, mà phải xem hiện tại ai là chủ thể tham gia quy định pháp luật? Ai là chủ sở hữu của ngôi nhà thì cưỡng chế trả nhà cho người ta, cụ thể là giao cho ông Cường...", luật sư Đỗ Pháp nói.                

HOÀNG NAM