Bỏ thì thương, vương cũng không… thiệt!
Không như Khánh Hòa và Đồng Nai, 2 CLB Long An và Định Hướng Phú Nhuận xác nhận, không tham dự giải hạng Nhất Quốc gia 2024/25 do gặp khó khăn về tài chính và cả những biến động nội bộ.
Định Hướng Phú Nhuận giành suất lên thi đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia 2024/25 sau khi đánh bại Kon Tum 2-0 ở trận play-off diễn ra tại Hà Tĩnh hồi tháng 6. Đây là CLB thứ 2, cùng với Trẻ TPHCM của 1 địa phương giành quyền thăng hạng trong 1 mùa giải. Tuy nhiên, trong lúc Trẻ TPHCM đổi tên thành Thanh niên TPHCM và "đổi đời" với cả chục hợp đồng chất lượng, thì Định Hướng Phú Nhuận giải tán cả "bộ sậu" trên băng ghế huấn luyện, vừa chưa tìm ra nguồn tài trợ.
Hàng xóm của Định Hướng Phú Nhuận, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Nam bộ là Long An cũng quyết định rút lui với lý do không lo đủ kinh phí hoạt động sau khi được trả về địa phương và đau đớn xác nhận đủ sức duy trì bóng đá phong trào!
Cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là thách thức nghiệt ngã là CLB vừa xuống hạng Khánh Hòa. Sau khi thanh lý hàng loạt hợp đồng với các trụ cột, bất ngờ đội bóng phố Biển lại bị FIFA cấm chuyển nhượng cầu thủ. Mới kịp nhận được lời hứa giải quyết chuyện nợ nần về lương thưởng, lót tay… thầy trò HLV Trần Trọng Bình đã tắt luôn hy vọng đua thăng hạng khi nguồn bổ sung giờ chỉ là "cây nhà lá vườn" từ các tuyến trẻ. Vậy, Khánh Hòa có mục tiêu nào để đi đến quyết định dự giải vào phút chót?
Câu trả lời rất rõ ràng, Điều lệ giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam không đổi qua từng năm ở một nội dung: đội nào tự ý rút lui hoặc bị loại khỏi giải trong quá trình giải đấu đang diễn ra, đội đó phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba…". Hạng Ba là hạng đấu phong trào, hay chính xác hơn là hạng nghiệp dư… Có lẽ, chẳng ai muốn "làm bóng đá phong trào" trong khi trước đó đã tiêu tốn hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng để góp mặt ở sân chơi được gọi là chuyên nghiệp. Nói chính xác hơn, nhiều CLB chấp nhận cuộc chơi để "tồn tại" sau chuỗi đầu tư tốn kém, hơn là giấc mộng trèo cao lên hạng V.League. Ngược lại, nếu bỏ giải, nguy cơ "rã đám" là hiện hữu.
Nói thế, e rằng có CLB sẽ tự ái, e rằng mất quan điểm với VFF và VFF. Nhưng thực tế sân cỏ Việt Nam là vậy. Không ít CLB ở giải hạng Nhất lẫn V.League ngay từ lễ xuất quân đã đặt chỉ tiêu trụ hạng, hoặc hơn thế cũng "nỗ lực thi đấu giành kết quả tốt nhất có thể". Cái giá để "tồn tại" cũng không ít, là hạng chục, là cả trăm tỷ đồng cả đấy!
Trở lại với giải hạng Nhất 2023/25, hiện tượng rút lui giải đấu xếp hàng thứ 2 của bóng đá Việt Nam nói lên nhiều mặt của một vấn đề. Đó là, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn tài trợ cho các đội bóng ngày càng bị hạn chế, nếu có cũng chỉ tập trung vào một vài đội bóng dạng tiềm năng. Chính chênh lệch "giàu- nghèo" này đã phân cực mạnh- yếu ngay từ khi giải chưa khởi tranh. Đơn cử, tân binh Thanh Niên TPHCM, với việc chiêu mộ hàng loạt sao tuyển, sao trẻ, lập tức nổi lên như ứng viên hàng đầu cho chiếc vé duy nhất thăng hạng V.League năm tới. Á quân hạng Nhất mùa giải 2023/24 PVF CAND cũng tăng cường lực lượng sau khi giữ chân thành công hầu hết các trụ cột. CLB xếp hạng ba cùng mùa giải là Trường Tươi Bình Phước còn chiêu mộ một số tên tuổi từ các CLB V.League. Tương quan lực lượng rất rõ, có vẻ như đấy là lời tuyên bố "ai trồng khoai đất này"! Và thêm một yếu tố cũng phải kể đến, nếu như chỉ có 10 đội dự giải hạng Nhất, nhiều khả năng sẽ không còn suất xuống hạng Nhì mùa tới. Nếu phải so sánh thiệt hơn, cái kết này "có hậu" hơn việc bị đày xuống chơi ở giải nghiệp dư?!
Nên vậy, có thể nói nhiều CLB vẫn đồng hành với giải hạng Nhất 2024/25 vì cái lý lẫn cái tình: bỏ thì thương cầu thủ, mà vương thì cũng không… thiệt chút nào!
S.T