Báo Công An Đà Nẵng

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời xung quanh bê bối điểm thi

Thứ năm, 26/07/2018 15:00

Trước một số sai phạm xảy ra trong công tác chấm thi tại Hà Giang và Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ngày 24-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức trả lời những nội dung liên quan.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

P.V: Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ chủ quản khi xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương như Hà Giang và Sơn La?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trước hết, trên phương diện quản lý ngành, tất cả các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT, Bộ phải có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Với trường hợp Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi, tôi cùng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm. Tổ công tác đã làm việc ngày đêm để đưa ra được kết luận nhanh chóng và chính xác nhất. Tôi cho rằng trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ GD-ĐT phải làm và thực tế những ngày qua đã khẳng định rằng Bộ GD-ĐT đã làm bằng quyết tâm cao nhất.

Khi phát hiện những sai phạm tại Hà Giang và Sơn La, quan điểm của lãnh đạo Bộ là kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi và quy định của pháp luật. Tại Hà Giang, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn về phía ngành giáo dục, tôi đã đề nghị các địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm.

P.V: Thưa Bộ trưởng, vì sao lại xảy ra sai phạm này, có phải do quy trình chấm thi chưa chặt chẽ?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Qua từng năm, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích.

Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi, với trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế, hướng dẫn tổ chức thi; tập huấn nghiệp vụ về tổ chức thi, vận hành các phần mềm quản lý thi, chấm thi; công tác chỉ đạo, thanh tra, giám sát cũng được tập huấn và thực hiện liên tục trước, trong và sau kỳ thi. Tuy nhiên, sau sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc rà soát kỹ lưỡng lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi, khắc phục những bất cập để hạn chế tới mức thấp nhất các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.

P.V: Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên cân nhắc việc tổ chức coi thi, chấm thi ở địa phương. Quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào về điều này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Việc tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội. Điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn tổ chức kỳ thi những năm qua. Chúng ta nhớ lại những năm trước đây, nhiều gia đình phải vất vả đưa con về thành phố lớn dự thi đại học, có khi phải bán cả gia sản mới đủ tiền đưa con đi thi thì nay đã hoàn toàn khác. Đây cũng là lý do để việc đổi mới thi trong những năm qua nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Ngoài ra, từ hai năm nay, phần lớn các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh có một mã đề riêng hay bài thi tự luận môn Ngữ văn ra đề mở đã hạn chế tối đa các gian lận, tiêu cực trong phòng thi. Vì vậy, việc coi thi ở địa phương đã cơ bản đảm bảo được tính nghiêm túc, an toàn.

Năm nay, chúng ta phát hiện tiêu cực trong khâu chấm thi tại một số địa phương. Bộ sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là quy trình chấm và bảo quản bài thi, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kỳ thi đảm bảo an toàn, chính xác, khách quan hơn.

P.V: Bộ GD-ĐT tính toán như thế nào để đảm bảo sự việc tương tự không lặp lại trong những năm sau?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi. Ngay sau đây, Bộ sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị. Bộ cũng sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phù hợp hơn với kỳ thi THPT quốc gia phục vụ hai mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Hoàn thiện quy trình chấm thi (bao gồm cả phần mềm chấm thi) đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả thi.

Đặc biệt, sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sai phạm để xử lý theo đúng quy chế và quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm sẽ có tác dụng trong việc răn đe đối với những người tham gia trực tiếp vào các khâu của kỳ thi những năm tiếp theo.

P.V: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

VIỆT HÀ (VN+)