Báo Công An Đà Nẵng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi

Thứ hai, 14/02/2022 06:25

Khi vừa bước sang năm mới 2022 (ngày 11-1), Quốc hội đã thống nhất và ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Cũng ngay trong tháng đầu tiên của năm, với tinh thần làm việc quyết liệt, tận tâm, không ngừng nghỉ, vào 30-1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việc ban hành Nghị quyết này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện nhất để cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Nói về triển vọng kinh tế thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi so với năm 2021.

Đầu tiên phải kể đến các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất phù hợp; hay việc hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực…là phương thức hợp lý và khoa học, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa bảo đảm sử dụng tối đa nguồn lực, đồng thời phù hợp với cơ chế thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiêu dùng nội địa (vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP) có khả năng tăng cao nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và FDI cũng khôi phục sản xuất kinh doanh nhờ sự "hồi sinh" từ cả phía cung, cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Thêm vào đó, tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế sẽ rõ nét hơn. Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phục hồi thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

"Các chính sách hỗ trợ tạo động lực, kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ KH&ĐT, những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng đầu tiên của năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi.

MINH NGỌC