Báo Công An Đà Nẵng

Bộ trưởng Hải quân Mỹ bị buộc từ chức

Thứ ba, 26/11/2019 12:00

Trong động thái bất thường, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã “sa thải” Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer vì đã “vượt cấp” bằng cách đề xuất một “thỏa thuận bí mật với Nhà Trắng”.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer.    Ảnh: Reuters

Thỏa thuận dẫn đến việc ông Spencer buộc phải từ chức liên quan đến vụ việc của Eddie Gallagher, một đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, một trong 3 thành viên đối mặt với cáo buộc “gây tội ác chiến tranh”, vụ việc đã gây ra căng thẳng chưa từng có giữa Lầu Năm Góc và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Spencer dường như đang tìm cách giải quyết bế tắc giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng trong vụ việc của Gallagher, nhưng những tranh luận nổi lên sau khi ông Spencer bị sa thải cho thấy những bất hòa vẫn còn. Theo một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết ông yêu cầu ông Spencer từ chức vì ông đã mất “niềm tin và sự tin tưởng” vào người đứng đầu lực lượng hải quân. “Tôi rất không hài lòng trước cách làm việc của một người là quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng. Thật đáng tiếc, tôi quyết định Bộ trưởng Spencer không có đủ uy tín để tiếp tục giữ vị trí đó. Tôi xin chúc ông ấy luôn khỏe mạnh”, Bộ trưởng Mark Esper cho biết.

Sự can thiệp của Tổng thống

Gallagher bị cáo buộc làm ô danh các lực lượng vũ trang Mỹ. Các điều tra viên cho biết Gallagher đã chụp ảnh cùng thi thể một tay súng khủng bố IS, vi phạm các quy định về đạo đức quân nhân. Gallagher bị hạ quân hàm, nhưng Tổng thống Trump vào tuần trước đã đảo ngược quyết định này bất chấp những phản đối từ nhiều tướng lĩnh. Ủy ban kỷ luật sau đó được thành lập để cân nhắc việc khai trừ Gallagher ra khỏi lực lượng đặc nhiệm SEAL. Lầu Năm Góc cho biết Gallagher được nghỉ hưu và giữ nguyên quân hàm trong lực lượng đặc nhiệm SEAL. Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc ông Spencer đã bí mật đề xuất với Nhà Trắng rằng nếu không can thiệp vào tiến trình khởi tố, Gallagher sẽ giải ngũ mà không bị trục xuất khỏi SEAL. Ông Spencer được cho đã không đề cập đề xuất này với Bộ trưởng Quốc phòng Esper. Một quan chức quốc phòng cho biết, động thái của ông Spencer phá vỡ trật tự chỉ huy, đi thẳng đến Nhà Trắng là vi phạm chính sách quân sự.

Hôm 24-11, Tổng thống Trump tiếp tục bày tỏ sự không hài lòng về cách hải quân Mỹ giải quyết vụ kỷ luật của Gallahgher. “Ông ấy bị đối xử rất tệ, trong khi vô tội đối với mọi cáo buộc. Tôi quyết định phục hồi quân hàm cho Eddie”, ông Trump nói một số bước quy trình diễn ra dưới nhiệm kỳ trước khiến ông không hài lòng. Tối 23-11, Gallagher đã đưa ra một tuyên bố, cảm ơn gia đình, đội ngũ pháp lý, những người ủng hộ và dành lời khen ngợi đặc biệt về ông Trump. “Tổng thống Donald Trump, tôi muốn thể hiện lòng biết ơn và lời cảm ơn sâu sắc nhất. Ông đã nhiều lần cân nhắc và thể hiện tính đạo đức thực sự bằng cách sửa chữa tất cả những sai trái đã được thực hiện với tôi. Ông là một nhà lãnh đạo thực sự và chính xác là những gì quân đội và quốc gia này cần”, ông Gallagher nói.

Một bước ngoặt gây sốc

Sự ra đi của Bộ trưởng Hải quân Spencer là bước ngoặt gây sốc mới nhất trong cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Lầu Năm Góc và Tổng thống Trump đối với vụ việc Gallagher và 2 thành viên khác của quân đội nước này- một cuộc chiến có vẻ như sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Tổng thống và đảng Dân chủ tại Quốc hội.

Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đưa ra một tuyên bố vào tối 24-11 rằng ông đã nói chuyện với ông Spencer và đề nghị hỗ trợ ông. “Bộ trưởng Spencer đã làm điều đúng đắn và ông nên tự hào khi đã đứng lên nói rõ với Tổng thống Trump những gì ông đã sai, điều đã tồn tại quá nhiều trong chính quyền này nhưng đảng Cộng hòa lại sợ hãi không dám làm”, ông Schumer nói. “Trật tự, kỷ luật và tinh thần trong các đơn vị vũ trang phải vượt qua chính trị, và cam kết của Bộ trưởng Spencer về các nguyên tắc này sẽ không bị lãng quên”, ông Schumer nhấn mạnh.

Ông Trump đã can thiệp để đảo ngược bản án đối với cả 3 thành viên của SEAL, phớt lờ việc các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nói với ông rằng một động thái như vậy có thể làm hỏng tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp quân sự, khả năng của các chỉ huy quân sự nhằm đảm bảo trật tự và kỷ luật tốt, cũng như sự tin tưởng của các đồng minh Mỹ và các đối tác đối với sự tổ chức quân đội của Mỹ.

Và ông Spencer đã chỉ thẳng vào Tổng thống, cho rằng ông Trump đang phá hoại “nguyên tắc trật tự và kỷ luật tốt” của quân đội Mỹ bằng cách can thiệp vào trường hợp của Gallagher. “Tôi không thể để lương tâm tuân theo một mệnh lệnh mà tôi tin là vi phạm lời thề thiêng liêng mà tôi đã thực hiện trước sự chứng kiến của gia đình, quốc kỳ và đức tin của tôi nhằm bảo vệ Hiến pháp Mỹ”, ông Spencer viết trong thư gửi Tổng thống, thừa nhận sự từ chức của mình. Trong bức thư của mình, ông Spencer nói rõ sự khó chịu của mình đối với các quyết định của Trump. “Nguyên tác là những gì làm cho chúng ta khác biệt với các đối thủ”, ông Spencer viết, cho rằng vấn đề kỷ luật là “vấn đề  nghiêm trọng chết người”.

Các quan chức quân đội hiện tại và trước đây cũng cho rằng kỷ luật là trọng tâm của đạo đức quân đội Mỹ, rằng các lực lượng Mỹ được đào tạo chuyên sâu để hoạt động một cách hợp pháp và kỷ luật và nếu họ bị kết tội vi phạm, họ phải đối mặt với hình phạt. “Ngoài tác động đến quá trình tư pháp quân sự, nó có thể có tác động đến các nhà lãnh đạo quân sự và khả năng ban hành các biện pháp trật tự và kỷ luật tốt. Nó cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin đối các quốc gia mà chúng ta đang hợp tác”, John Kirby, nhà phân tích ngoại giao và quân sự, một đô đốc đã nghỉ hưu, từng là phát ngôn viên của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao, cho biết.

AN BÌNH