Báo Công An Đà Nẵng

Bộ trưởng Tô Lâm: Bỏ sổ hộ khẩu là niềm mong ước của người dân

Thứ tư, 21/10/2020 16:49

Phát biểu giải trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 21/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho rằng, bỏ Sổ hộ khẩu là niềm mong ước của người dân. Nếu không dứt khoát được thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ rất phiền phức cho nhân dân và cơ quan quản lý.

Về mục tiêu xây dựng Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Luật phải đảm bảo 3 mục tiêu: Không cản trở quyền tự do cư trú của công dân; Xác định vị trí pháp lý của công dân trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện các giao dịch; Việc đăng ký để các cơ quan nhà nước quản lý công dân nhưng không được phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân.

Về nội dung chuyển tiếp, Bộ Công an kiến nghị thực hiện phương án 2 (Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành) trên cơ sở từ năng lực hoạt động thực tiễn, bởi theo Bộ trưởng, nếu không dứt khoát được thời điểm luật có hiệu lực thi hành sẽ rất phiền phức cho nhân dân và cơ quan quản lý.

“Bỏ Sổ hộ khẩu như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu - đó là niềm mong ước của người dân, mang lại sự phấn khởi cho họ. Bên cạnh sổ hộ khẩu còn nhiều quy định khác “ăn theo” nên cũng phải thay đổi. Thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi.

Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ Công an đã có đề nghị từ nay đến 1/7 người dân gửi tiết kiệm, đăng ký nhà ở... theo Chứng minh nhân dân, hộ khẩu phải có sự chuyển đổi bằng Căn cước công dân" - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Tô Lâm: Bỏ sổ hộ khẩu là niềm mong ước của người dân ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 21/10

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, đến thời điểm hiện tại, thông tin cơ sở dữ liệu dân cư đã có 90%, đang được thẩm định phúc tra đưa vào hệ thống máy, còn 10% sẽ hoàn thành trong năm 2020. Chính phủ cũng đã đồng ý không kéo dài thời gian cấp Căn cước công dân. Bộ Công an đã có lộ trình, cơ sở để triển khai thực hiện. Nếu Quốc hội giới hạn thời gian Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thì buộc các cơ quan phải phối hợp thực hiện theo đúng lộ trình.

Về một số nội dung khác như khái niệm thế nào là cư trú, tạm trú, lưu trú, theo Bộ trưởng Tô Lâm, điều này đã được quy định cụ thể trong luật. Mỗi người phải có nơi cư trú hợp pháp là thường trú coi như nơi ở chính thức, trong thời gian họ thường trú nơi này có quyền tạm trú ở nơi khác nhưng chỉ trong thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, về điều kiện cá nhân muốn thường trú phải đáp ứng diện tích 8m2 sàn/người chỉ với người xin ở nhờ. Với gia đình đã có hộ khẩu lâu đời ở đó thì khó có thể áp dụng, như khu Hàng Ngang, Hàng Đào đất chật người đông, song thời gian tới nếu ai đó muốn vào ở tại các gia đình này cần được sự đồng ý của chủ hộ,

Hay Điều 14 quy định về quan hệ vợ chồng, Luật Cư trú (sửa đổi) phải điều chỉnh các trường hợp ly thân, ly hôn. Có trường hợp vợ chồng ly hôn nhưng gia đình chồng không cho người vợ chuyển hộ khẩu nên rất khó khăn. Theo quy định mới, chỉ cần có bản án của Tòa án thì người vợ không cần có sự đồng ý của chủ hộ vẫn được chuyển hộ khẩu - Bộ trưởng nêu ví dụ.

Kết thúc phần giải trình, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: "Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) mang tính cải cách lớn, là thách thức trong quản lý cư trú nói riêng và quản lý cư dân nói chung. Nếu công tác quản lý cư trú tốt thì hàng năm sẽ không phải tổng điều tra dân số, nhà ở vì thông tin được quản lý theo hệ thống, góp phần giảm nhiều thủ tục hành chính. Tôi mong rằng, Quốc hội xem xét sớm thông qua để dự án luật nhanh chóng đi vào cuộc sống” – Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất.

Theo ANTD