Báo Công An Đà Nẵng

Boeing - Những lời cáo buộc "từ trên trời" (Kỳ cuối: Hy vọng 737 Max sẽ sớm trở lại)

Thứ bảy, 13/07/2019 12:48

Boeing hiện đang phải đối mặt với một số kiện cáo từ người thân của các nạn nhân vụ tai nạn tại Ethiopia, trong khi máy bay 737 Max đã dừng hoạt động trên khắp thế giới. Thế nhưng, nhiều hãng hàng không vẫn mong 737 Max sẽ sớm được bay trở lại.

Sau vụ tai nạn, máy bay Boeing 737 Max bị dừng hoạt động trên toàn thế giới.  Ảnh: BBC

Vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines là vụ thứ hai liên quan đến chiếc 737 Max mới. Vụ thứ nhất xảy ra khi một máy bay của Lion Air rơi xuống biển ngoài khơi Indonesia ngày 29-10-2018. Mặc dù các báo cáo sơ bộ cho thấy lỗi của hệ thống MCAS là nguyên nhân của cả hai vụ, nhưng hai trường hợp này có một sự khác biệt quan trọng. Cho đến khi máy bay Lion Air gặp nạn, phi công lái 737 Max trên toàn thế giới không hề biết rằng, hệ thống này có tồn tại.

Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra tai nạn của ET302, Boeing công bố chi tiết về cách hệ thống hoạt động và những gì phi công nên làm nếu gặp sự cố. Phi hành đoàn của ET302 đã cố gắng làm theo quy trình đó, nhưng vì tốc độ bay quá nhanh, không thể hoàn thành quy trình. Một câu hỏi được đặt ra là liệu Boeing đã làm đủ sau vụ tai nạn đầu tiên để đảm bảo máy bay của Cty thực sự an toàn để vận hành?

Kiện tụng

Boeing hiện đang phải đối mặt với một số vụ kiện từ thân nhân của các nạn nhân, trong đó có gia đình Jonathan Seex, người từng là Giám đốc điều hành nhà hàng The Tamarind Group, cũng như Jane Nyambura, góa phụ của Anthony Ngare, một nhà báo làm việc cho cơ quan văn hóa UNESCO của LHQ.

Cả hai vụ kiện này đều đưa ra lời buộc tội nghiêm trọng đối với Boeing. Họ tuyên bố, ngay sau khi chuyến bay 610 bị rơi, Boeing biết hàng trăm máy bay Max 8 vẫn đang được sử dụng để chở hành khách trên toàn cầu, do đó nguy cơ xảy ra sự cố tương tự là điều hoàn toàn có thể nếu không có sự can thiệp thích hợp và ngay lập tức. Mặc dù hiểu về mức độ nghiêm trọng của các rủi ro đối với hành khách, Boeing đã cố ý không hành động, hoặc có hành động nhưng không khẩn cấp. "Tôi muốn Boeing và FAA chịu trách nhiệm một cách dứt khoát về cái chết của 346 người, trên hai máy bay, thay vì đổ lỗi cho các phi công", ông Paul Njoroge, một công dân Canada mất vợ, Carolyne Nduta Karanja, 3 đứa con nhỏ và mẹ vợ, Ann Karanja, khi ET302 rơi xuống, nhấn mạnh và cho biết thêm: "Nếu họ nhận lỗi và chịu trách nhiệm về những gì xảy ra, thì với tôi, đó là tất cả".

Boeing không bình luận về các cáo buộc cụ thể trong các vụ kiện. Trong một tuyên bố, Cty cho biết: "Boeing gửi lời chia buồn và cảm thông chân thành đến gia đình và những người thân yêu của những người trên chuyến bay 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines và Chuyến bay 610. Trong khi các cuộc điều tra đang tiếp tục, Boeing sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra".

Cộng đồng phi công cũng bày tỏ sự tức giận đối với động thái cố gắng đổ trách nhiệm cho phi hành đoàn. "Các ông đổ lỗi cho các phi công đã chết, đổ lỗi cho các phi công ngoài nước Mỹ, bằng cách nào đó cáo buộc họ không có kỹ năng và không đào tạo, là xúc phạm tính chuyên nghiệp, và không phải là cách chúng ta làm kinh doanh", Cơ trưởng Dennis Tajer, phát ngôn viên của Hiệp hội Phi công Đồng minh, đại diện cho một liên minh 15.000 phi hành đoàn tại American Airlines cho biết. Theo ông Tajer, rõ ràng hệ thống MCAS là nguyên nhân gây tai nạn.

Dừng bay

Sau vụ tai nạn thứ hai tại Ethiopia, các nhà chức trách trên khắp thế giới đã cho dừng hoạt động của Boeing 737 Max. Boeing đang nghiên cứu sửa đổi phần mềm và Boeing 737 Max sẽ không bay nữa cho đến khi các nhà quản lý kết luận loại máy bay này đã hoàn toàn an toàn.

Ở một góc xa cuối đường băng tại sân bay Addis Ababa là một khu vực bảo trì khổng lồ. Ba nhà chứa máy bay khổng lồ chứa đầy máy bay của Ethiopian Airlines và các hãng hàng không khác trong khu vực. Các kỹ sư đang thực hiện các kiểm tra an toàn quan trọng và quy trình bảo trì.

Đậu trước nhà chứa máy bay nhỏ nhất là 4 chiếc Boeing 737 Max 8. Các máy bay đã bị dừng bay ngay sau vụ tai nạn. Các cửa sổ buồng lái được phủ một lớp màng phản chiếu màu bạc để bảo vệ các thiết bị điện tử bên trong khỏi ánh sáng mặt trời khắc nghiệt của Ethiopia. Trên cửa thoát hiểm, tấm biển hiệu màu hồng ghi chữ: "ĐỪNG MỞ RA". Các tấm nhựa lớn màu đỏ bao phủ các động cơ. Các thiết bị cảm biến ngay dưới buồng lái cũng được che phủ.

Mesfin Tasew, Giám đốc điều hành của Cty, giải thích rằng các máy bay đang được bảo trì. Ông cho biết, các động cơ phải được khởi động mỗi tuần một lần, và được che đậy trong khoảng thời gian còn lại để ngăn chặn bất kỳ vật thể lạ nào xâm nhập vào bên trong. "Giữ máy bay như thế này trên mặt đất là một quá trình tốn kém", ông Tasew giải thích. Rất nhiều doanh thu bị mất. Các hãng hàng không vẫn đang phải vật lộn để trả số tiền họ đã vay để mua máy bay, cũng như phải chi tiền để bảo trì trong khi chúng nằm trên mặt đất. Tất cả có giá hàng triệu USD mỗi tuần.

Nhiều hãng hàng không rất muốn 737 Max cất cánh trở lại càng sớm càng tốt, bởi vì đây là loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu và chi phí vận hành ít. Tuy nhiên, an toàn là điều đầu tiên được nói đến. Hiện chưa rõ khi nào máy bay sẽ được phép bay trở lại. Các giải pháp do Boeing đưa ra trước hết cần phải được FAA phê duyệt, trong khi các cơ quan quản lý ở nơi khác có thể đưa ra các quy định cứng rắn hơn trước khi chấp thuận. Nhưng nhiều người vẫn luôn tin rằng, chắc chắn, cuối cùng, 737 Max sẽ bay trở lại.

AN BÌNH