Báo Công An Đà Nẵng

Boko Haram - Lạnh lùng và tàn bạo

Thứ năm, 08/05/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Vụ việc bắt cóc 278 nữ sinh (53 em đã trốn thoát) và đe dọa bán các em làm nô lệ tình dục của nhóm khủng bố khét tiếng Boko Haram đang khiến cộng đồng quốc tế bất bình và yêu cầu lập tức tiến hành một sứ mệnh giải cứu. Mỹ và một số quốc gia đã đề nghị giúp đỡ chính phủ Nigeria trong nỗ lực giải cứu các con tin.

Có nhiều nhóm được Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê là những kẻ khủng bố. Nhưng không có nhóm nào phù hợp với định nghĩa cổ điển về khủng bố - đe dọa và gây khủng hoảng đối với dân thường - hơn nhóm Boko Haram ở miền bắc Nigeria.

3 tháng, giết 1.500 người

Hoạt động của Boko Haram là quá rõ ràng: giết người tàn bạo và bừa bãi, cả người Kitô giáo và Hồi giáo ở miền bắc Nigeria, các vụ đánh bom nhà thờ và tấn công tự sát ở thủ đô Abuja, trong đó có vụ đánh bom xe vào trụ sở của LHQ hồi năm 2011.

Và gần đây nhất là vụ bắt cóc gần 278 nữ sinh, từ 16-18 tuổi ở trường nội trú tại Borno. Trong đoạn băng công bố hôm 5-5, thủ lĩnh Boko Haram, Abubakar Shekau, tuyên bố sẽ bán họ. Tên này cho rằng, những cô gái 12 tuổi, thậm chí là 9 tuổi, thích hợp để kết hôn.

Đó là thông điệp điển hình của một tư tưởng thời trung cổ, phản ánh sự ngưỡng mộ đối với Taliban của cựu thủ lĩnh của nhóm, Mohammed Yusuf. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 7-5 gọi vụ bắt này là hành động "gây đau lòng" và "căm phẫn", đồng thời kêu gọi quốc tế đưa ra phản ứng.

Boko Haram và các phe phái khác thực hiện nhiều vụ bắt cóc trên quy mô nhỏ hơn, nhắm mục tiêu người lao động phương Tây và du khách. Nỗ lực cứu hộ của lực lượng an ninh Nigeria và trong một số trường hợp có sự phối hợp của lực lượng đặc biệt Anh luôn kết thúc đẫm máu. Theo ước tính của LHQ, Boko Haram chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 1.500 người chỉ trong 3 tháng.

Nhân viên cứu hộ sơ tán người bị thương sau vụ tấn công trụ sở LHQ ở Abuja hồi năm 2011. Ảnh: CNN

Mồi nhử cho thanh niên

Tại sao mọi người lại tham gia vào một nhóm chuyên giết chóc và bắt cóc dân thường, với một tư tưởng lạc hậu như vậy? Boko Haram thu nhận nhiều thanh niên Hồi giáo đói nghèo và bị phân biệt đối xử ở miền bắc Nigeria. Shekau khiến người Hồi giáo Nigeria nhận thức rằng, Tổng thống Goodluck Jonathan mới là "kẻ áp bức".

Tại khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao, lời hứa của Boko Haram về một cuộc sống tốt đẹp hơn lôi kéo hàng trăm thanh niên trẻ. Chiến dịch chống khủng bố mạnh tay và không có mục tiêu của chính quyền trung ương gây bất mãn khiến nhiều thanh niên gia nhập Boko Haram.

Dù Tổng thống Jonathan tuyên bố tình trạng khẩn cấp cách đây 1 năm tại 3 bang miền bắc, nhưng không thể ngăn chặn mà thậm chí còn làm gia tăng làn sóng các vụ giết người. John Campbell, cựu đại sứ Mỹ tại Nigeria và hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết, "các lực lượng an ninh hoạt đông không mấy hiệu quả trong việc bảo vệ lãnh thổ và người dân trong khu vực".

Điều này biến khu vực thành "lãnh thổ màu mỡ" cho nhóm Boko Haram áp đặt luật Sharia và cấm trẻ em gái đến trường.

"Con thú" nguy hiểm hơn

Chưa có bằng chứng chắc chắn cho thấy, Boko Haram có tham vọng hoạt động vượt ra ngoài Nigeria, mặc dù các chiến dịch khủng bố đã lan tới các vùng xa xôi của Cameroon. Nhóm này cũng chính thức liên kết với các nhóm Hồi giáo vũ trang ở Mali và Niger.

Shekau tuyên bố trung thành với thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri. Nhưng cấu trúc và hệ tư tưởng của Boko Haram rất rõ ràng và chỉ tập trung vào một khu vực nhỏ, điều khiến Al-Qaeda công khai xa lánh nhóm này. Jacob Zenn, chuyên gia về Boko Haram và một số nhánh của nhóm cho biết, chỉ một vài thủ lĩnh "có khả năng mở rộng liên kết của Boko Haram với Al-Qaeda Hồi giáo ở Maghreb (AQIM), Al-Shabaab ở Somalia và các nhóm chiến binh khác".

Không ai (ngoài các thủ lĩnh Boko Haram) tin rằng, nhóm này có thể lật đổ chính phủ Nigeria khi mà không có bất cứ sự hiện diện nào tại khu vực miền Nam giàu dầu mỏ, và số tay súng chiến đấu của nhóm có lẽ chỉ ở khoảng vài trăm. Nhưng Boko Haram có thể hút cạn nguồn lực của chính phủ liên bang, gây tổn hại đến danh tiếng của Nigeria và biến dải phía bắc của nước này trở thành vùng cấm địa.

Trong khi đó, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy, chính phủ Nigeria sẽ cải cách và điều này có thể dẫn tới một kịch bản tồi tệ hơn.

An Bình

(Theo CNN)