“Bom sống phụ nữ”- vũ khí mới của Boko Haram
(Cadn.com.vn) - Cư dân thị trấn Dikwa, ở vùng đông bắc Nigeria rất lo sợ nạn bắt cóc, nhất là phụ nữ và các bé gái, để làm “bom sống” cho nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram, phục vụ những vụ đánh bom liều chết ở Nigeria và các nước láng giềng.
Bùng nổ phụ nữ đánh bom tự sát
Từ nửa cuối năm 2015, số vụ đánh bom liều chết nhắm vào đám đông tại Nigeria tăng đột biến, nhất là ở các thành phố phía bắc như Damaturu và Dikwa.
Chẳng hạn như vụ đánh bom liều chết xảy ra tại trạm xe buýt ở Damaturu hồi cuối tháng 8-2015 khiến 5 người chết, 40 người khác bị thương. Thủ phạm là một thiếu nữ 14 tuổi, bị nghi là do phiến quân Boko Haram điều khiển. Hồi đầu năm 2015, một bé gái chưa đầy 10 tuổi mang bom phát nổ làm 20 người thiệt mạng, 18 người bị thương tại khu chợ Maiduguri, thủ phủ của phiến quân Boko Haram.
Mới đây, hôm 10-2, ít nhất 60 người thiệt mạng sau khi 3 phụ nữ kích nổ bom tại trại tị nạn ở Dikwa. Cả ba sát thủ đột nhập trại tị nạn, ở qua đêm với khoảng 50.000 người khác từ hôm trước. Đây là những người đã chạy trốn khỏi nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan Boko Haram. Sáng hôm sau, hai trong số này đã kích bom đeo trên người phát nổ. Người phụ nữ thứ ba mang bom nhưng quyết định không phát nổ, và bị bắt ngay sau đó. Hành động đánh bom liều chết của ba phụ nữ này là một phần của kế hoạch phản hồi nguy hiểm ngay sau khi liên minh đa quốc gia tiến hành chiến dịch đẩy lùi Boko Haram ra khỏi lãnh thổ ở vùng đông bắc Nigeria kể từ đầu năm 2015.
Những vụ đánh bom liều chết này làm người ta nhớ lại những vụ đánh bom tự sát kinh hoàng khác diễn ra trước đó tại tỉnh Gombe ở phía bắc. Công cụ chính vẫn là phụ nữ, nhất là khi 200 nữ sinh ở thị trấn Chibok bị bắt cóc. Từ đây, số vụ nổ bom cảm tử tăng mạnh, khiến hàng trăm người chết thảm. Theo đánh giá của Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ, việc dùng bom “phụ nữ” được Boko Haram tận dụng tối đa bởi hiệu quả, ít bị tình nghi.
Theo thống kê có khoảng 2.000 phụ nữ và trẻ em gái ở Nigeria bị bắt kể từ khi Boko Haram ra đời năm 2009. Phần lớn bị cưỡng ép, làm việc vô ý thức do còn quá trẻ, chưa nhận thức hết mối nguy hiểm đang phải đối mặt. Thậm chí sau thời gian sống trong các khu trại do Boko Haram kiểm soát, khi trở về cuộc sống đời thường họ cảm thấy tuyệt vọng vì bị tẩy chay, không thể kết hôn, do đó chấp nhận tử vì đạo hoặc cả những trường hợp tự nguyện đánh bom trả thù cho người thân bị giết hại.
Chân dung “bom phụ nữ” được Boko Haram sử dụng cho mục đích khủng bố. |
Chính phủ Nigeria làm gì để bảo vệ người dân?
Bắt đầu từ năm 2015, liên minh đa quốc gia bắt đầu thực hiện các chiến dịch nhằm đẩy lùi Boko Haram ra khỏi lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở vùng đông bắc. Cuối tháng 12-2015, Tổng thống mới đắc cử của Nigeria Muhammadu Buhari tuyên bố “giành chiến thắng về mặt kỹ thuật” trong cuộc chiến chống Boko Haram, nhưng thực tế vẫn tiếp tục là mối đe dọa thường trực và nguy hiểm đối với Nigeria. Đánh giá của ông Buhari không khác gì người tiền nhiệm, Goodluck Jonathan. Trong suốt nhiệm kỳ của ông Jonathan, Boko Haram vẫn trụ vững ở vùng đông bắc và thường xuyên đe dọa quân đội quốc gia, liên tục tiến hành những vụ khủng bố kinh hoàng.
Trong khi chính phủ Nigeria đánh giá thấp Boko Haram, tổ chức này phát triển mạnh và táo tợn hơn. Bắt đầu từ tháng 3-2015, Boko Haram chính thức gia nhập IS và đổi tên thành tỉnh Tây Phi thuộc Nhà nước Hồi giáo. Từ đây, hệ tư tưởng cực đoan của Boko Haram ngày càng thêm nguy hiểm, biến vùng đông bắc, nơi Boko Haram được sinh ra thành địa danh nguy hiểm. Từ lâu, khu vực phía bắc của Nigeria được xem là “cái rốn” bạo lực giữa Hồi giáo và Kito giáo, nên khu vực này bị tụt hậu về kinh tế - xã hội so với khu vực phía nam, nguyên nhân chính là do Boko Haram, nhưng tổ chức này lại đổ lỗi là do nhà nước.
Sở dĩ Tổng thống Buhari giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới đây là do có những hành động tích cực và có hiệu quả chống Boko Haram cũng như tuyên chiến với nạn tham nhũng trong chính phủ và quân đội. Ông tiếp tục hợp tác với liên minh đa quốc gia, đồng thời sẵn sàng chấp nhận viện trợ quốc tế, nhất là từ Mỹ để phục vụ cuộc chiến cam go này nhằm sớm mang lại hòa bình cho đất nước, chấm dứt tình trạng “nồi da nấu thịt” đang ngày càng khốc liệt.
Kim Hùng
(Theo Nationalinterest)