Báo Công An Đà Nẵng

Bỏng chỉ đứng sau tai nạn giao thông

Thứ bảy, 13/05/2017 11:16

(Cadn.com.vn) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị khoa học bỏng, phẫu thuật tạo hình và liền vết thương toàn quốc lần thứ XII do Hội Bỏng Việt Nam và Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác phối hợp với Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức trong 2 ngày (12 và 13-5).

Hàng chục nghìn người bị bỏng mỗi năm

Theo Gs.Ts Lê Năm - Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam, hiện nay, mạng lưới điều trị bỏng từ trung ương đến địa phương đã không ngừng được củng cố và phát triển cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nên chất lượng điều trị bỏng ngày càng được nâng cao. Một số kỹ thuật cao điều trị bỏng, phẫu thuật tạo hình và chữa vết thương mãn tính ngang tầm thế giới đã được các bác sỹ Việt Nam thực hiện thành thục... Các cơ sở chữa bỏng cũng quan tâm nghiên cứu kế thừa và phát triển việc sử dụng thuốc y học dân tộc điều trị tại chỗ vết bỏng đem lại hiệu quả cao và giảm chi phí điều trị. Hàng năm, hệ thống y tế cả nước đã khám bệnh và điều trị nội trú cho hàng chục nghìn bệnh nhân bỏng.

PGS.TS Nguyễn Gia Tiến - Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho rằng, nền y học tiên tiến đã có nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị bệnh, chất lượng cuộc sống của người bệnh đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề chữa vết thương khó lành, vết thương mạn tính hiện vẫn còn là thách thức lớn. Đặc biệt, trình độ nghiên cứu và điều trị vết thương, điều trị bỏng và phẫu thuật tạo hình vẫn chưa đồng đều giữa các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Thông thường, các vết thương cấp tính liền trong vòng 4-6 tuần. Tuy nhiên, có nhiều vết thương chưa liền trong vòng 6 tuần đầu và người ta xếp các vết thương đó vào nhóm vết thương khó lành. Tại Việt Nam, vết thương khó lành, vết thương mạn tính gặp ngày càng phổ biến trong đời sống và tăng lên cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội và tuổi thọ của người dân. “Điều đáng lo ngại là nếu chăm sóc vết thương không đầy đủ sẽ dẫn đến vết thương không liền, những di chứng, biến chứng nặng nề, tốn kém trong chi phí điều trị. Tại các nước phát triển, “liền vết thương” là một chuyên ngành rất được quan tâm và phát triển. Tuy nhiên, tại nước ta chưa có biện pháp chữa trị vết thương mạn tính cho người bệnh đầy đủ nhất khiến cho nhiều bệnh nhân phải chấp nhận sống chung với vết thương đến hết đời”, TS Tiến nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, số lượng nạn nhân là trẻ em chiếm ít nhất 50% tổng số nạn nhân bỏng.  

Cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị mới

Theo nghiên cứu của Ủy ban quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích và Cục Y tế dự phòng, số lượng tai nạn bỏng trong cả nước đứng thứ hai sau tai nạn giao thông, với khoảng 20.000 đến 25.000 bệnh nhân bỏng mỗi năm tại Việt Nam. Phần lớn bệnh nhân bị bỏng nặng xuất phát từ các vụ tai nạn liên quan tới nước sôi, thực phẩm nóng, hỏa hoạn do xăng dầu hoặc chập điện, phóng điện, bỏng trong sản xuất công nghiệp, bỏng do hóa chất...

Đáng nói, số lượng nạn nhân là trẻ em chiếm ít nhất 50% tổng số nạn nhân bỏng (khoảng 1.200 -1.600 bệnh nhân/năm), nửa trong số đó là trẻ dưới 5 tuổi. Hơn 70% nạn nhân bỏng đều tập trung ở những khu vực nông thôn và miền núi. 30% các ca bỏng trở nên trầm trọng hơn khi chuyển tới các bệnh viện tỉnh hoặc trung ương do gia đình và nhân viên y tế cấp cơ sở không biết cách xử lý kịp thời, cách sơ cứu bệnh nhân bỏng hoặc cách điều trị cần thiết trong quá trình chuyển bệnh nhân tới bệnh viện.

Riêng tại TP Đà Nẵng, mỗi năm có hơn 500 bệnh nhân bỏng được cấp cứu và điều trị tại Khoa Bỏng – Tạo hình (Bệnh viện Đà Nẵng). Theo ước tính, cứ 100 bệnh nhân bỏng thì có từ 3-4 người tử vong, trong đó có ít nhất 30 người để lại di chứng nặng nề về sức khỏe, chức năng, thẩm mỹ, tâm lý. Chi phí cho một ca điều trị bỏng nặng ở Việt Nam lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Điều này cho thấy, bỏng thực sự là gánh nặng y tế mang tính toàn cầu, là bệnh có nhiều di chứng nghiêm trọng, giảm chất lượng cuộc sống.

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định: Với chủ đề nổi bật của hội nghị là “Những thách thức trong điều trị bỏng, phẫu thuật tạo hình và liền vết thương” được tổ chức tại Đà Nẵng cho thấy Hội bỏng Việt Nam và các nhà khoa học không những quan tâm đến bệnh lý này mà còn tạo điều kiện cho Bệnh viện Đà Nẵng có cơ hội tiếp cận với những phương pháp điều trị mới liên quan đến bỏng, góp phần cải thiện chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống người bệnh sau bỏng.

Lê Hùng

Hội nghị thu hút hơn 350 đại biểu là các nhà quản lý hoạch định chính sách y tế, chuyên gia, nhà khoa học, GS, TS, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, bác sĩ chuyên ngành trong và ngoài nước. Các đại biểu sẽ nghe và chia sẻ 74 báo cáo khoa học với nội dung tập trung vào những chuyên đề chính như: điều trị bỏng, chăm sóc vết thương và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ; một số thách thức, khó khăn trong công tác điều trị bỏng và cập nhật những thành tựu, tiến bộ mới trong lĩnh vực chuyên ngành hiện nay.