Bóng đá Nam Olympic Tokyo 2020: Châu Á có quyền… mơ!
Chiều 31-7, vòng tứ kết môn bóng đá nam Olympic 2020 đã khép lại và đã xác định được 4 đội giành quyền vào bán kết là Mexico, Brazil, Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Người hâm mộ châu Á đang trông chờ Takefusa Kubo (phải) và Olympic Nhật Bản làm nên điều bất ngờ ở Olympic Tokyo 2020. |
Đối đầu với Bờ Biển Ngà, ứng cử viên vô địch Tây Ban Nha đã không có trận đấu dễ dàng. Ngay ở phút thứ 10, họ đã để thủng lưới. Phải nửa tiếng sau, đội bóng xứ sở đấu bò tót mới gỡ hòa. Nhưng ở phút 90, họ lại để Bờ Biển Ngà vươn lên dẫn trước để rồi đến phút bù giờ thứ ba mới cân bằng tỷ số 2-2. Trận đấu phải phân định thắng thua ở 2 hiệp phụ, Tây Ban Nha nhờ vượt lên dẫn trước nhờ bàn thắng trên chấm phạt đền, sau đó kết liễu đối thủ với tỷ số đậm 5-2.
Đối thủ của thầy trò Luis de la Fuente ở bán kết sẽ là chủ nhà Nhật Bản - đội trước đó vượt qua New Zealand 4-2 ở loạt luân lưu để đi tiếp. Cũng phải trải qua thời gian hiệp phụ và không có bàn thắng nào được ghi, hai đội kéo nhau vào loạt sút luân lưu. Tại đây, các cầu thủ chủ nhà đã làm tốt hơn và qua đó giành thắng lợi 4-2.
Còn với Brazil, bàn thắng duy nhất của Matheus Cunha ở phút 37 là đủ để giúp họ đánh bại Ai Cập 1-0. Trong trận còn lại, Mexico dễ dàng vượt qua Hàn Quốc với tỉ số 6-3. Mang theo đội hình có nhiều cầu thủ thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, ở trận tứ kết quyết định, Olympic Hàn Quốc đã để Mexico vùi dập với tỷ số 6-3. Như vậy, 1 trong 2 niềm hy vọng của bóng đá châu Á ở Olympic Tokyo đã phải dừng bước, chỉ còn trông chờ vào chủ nhà Nhật Bản.
Như vậy, các cặp đấu bán kết diễn ra vào ngày 3-8 sẽ là: Nhật Bản- Tây Ban Nha và Mexico- Brazil. Trong số này, Brazil với Tây Ban Nha vẫn được xem là 2 đội mạnh nhất và có khả năng họ sẽ gặp nhau ở chung kết để tranh HCV, nhưng Mexico và nhất là chủ nhà Nhật Bản, cũng không thể bị xem thường.
Bóng đá Olympic thực tế rất khác so với World Cup hay EURO, khi các “ông lớn” của bóng đá thế giới thường cử đến Olympic “đội hình 2” đã trở thành thói quen. Vì vậy, khi Olympic Nhật vào đến bán kết chẳng đáng ngạc nhiên vì họ đã từng vào tứ kết năm 2000 và đoạt hạng tư năm 2012. Chiến thắng của họ trước Brazil của Ronaldo và Rivaldo ở Olympic 1996, hay trước TBN ở London 2012 cũng từng gây choáng váng cho giới mộ điệu. Lần này trên sân nhà Nhật Bản lại thắng đậm đội tuyển Pháp. Đây cũng được coi là sự tiến bộ của đội bóng xứ sở mặt trời, dù Olympic Pháp không có thành viên nào từ đội hình dự EURO vừa qua. Nhưng để lý giải cho việc Olympic Nhật Bản tiến sâu ở Olympic kỳ này không chỉ dựa vào thành tích quá khứ. Với tư cách là chủ nhà, quốc gia châu Á này đã đầu tư cho nhiều đội tuyển, nhằm cạnh tranh với các cường quốc thể thao khác như Mỹ, Trung Quốc, Nga… Bóng đá cũng vậy. Nhìn các cầu thủ Nhật Bản thi đấu với tinh thần “samurai”, giới chuyên môn đánh giá cao quyết tâm của các đồng đội của Takefusa Kubo lẫn lợi thế sân nhà. Riêng Takefusa Kubo cũng đang thể hiện nỗ lực rất lớn tại Olympic này, khi chỉ vì màu cờ sắc áo, mà còn hướng tới một suất ở đội bóng mà anh đang đầu quân Rael Madrit. Với ba bàn ở vòng bảng, Kubo đang đứng thứ hai trên danh sách phá lưới của môn bóng đá nam (chỉ sau Andre-Pierre Gignac (4 bàn) và Richardlison (5 bàn). Tuy vậy, tiền đạo người Nhật này đang được đánh giá cao hơn về độ ổn định, khi nổ súng đều đặn qua 3 trận. Anh ghi bàn duy nhất, giúp Nhật hạ Nam Phi 1-0 trong trận ra quân, mở tỷ số các trận thắng Mexico 2-1 và Pháp 4-0 ở lượt cuối. Trong khi đó, Gignac và Richarlison đều tịt ngòi một trận, riêng Gignac đã bị loại cùng tuyển Pháp.
Việc nhiều nước lớn thờ ơ với Olympic khiến sân chơi này kém đi sự thú vị và cũng mở ra cơ hội cho các đội bị đánh giá yếu hơn có cơ hội gây ấn tượng. Nhật Bản tiến sâu và thắng những đội mạnh cũng chẳng còn là điều lạ lẫm, giờ chỉ là liệu họ có đi tới chiến thắng cuối cùng để giành HCV không trước những Brazil hay Tây Ban Nha?.
T.S