Báo Công An Đà Nẵng

Bóng đá Việt Nam thất bại tại ASIAD 19: Bàn chuyện “tầm nhìn” và tính “thăng bằng”…

Thứ bảy, 30/09/2023 09:06
Thất bại ở ASIAD 19 là bài học để đời với tuyển nữ Việt Nam.

Cũng bởi mục tiêu dài hơi ấy, cả tuyển nam và nữ Việt Nam dự ASIAD 19 với đội hình trẻ hóa, đặc biệt là tuyển Olympic Việt Nam với thành phần hơn 2/3 nhân sự lứa U20. Tuyển nữ Việt Nam, cũng tạo điều kiện cho những Diễm My, Thúy Hằng, Thùy Linh, Trần Thị Duyên…

Tại Hàng Châu, Olympic Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ thắng được Mông Cổ (4-2), thua Iran (0-4) và Saudi Arabia (1-3), dừng bước ngay từ vòng bảng. Tuyển nữ Việt Nam, sau 2 trận toàn thắng trước Nepal (2-0) và Bangladesh (6-1), đã phải thất thủ trước nữ Nhật Bản 7 bàn trắng, cũng không qua “vòng gửi xe”.

Đành rằng rắc rối của thể thức xếp bảng thi đấu, tính điểm tại ASIAD 19 mang màu sắc “bóng đá vùng trũng”, nhưng cuộc chơi là thế, phải sẵn sàng cho kịch bản nghiệt ngã nhất. Đó là chưa kể, đã chấp nhận mang đến Hàng Châu lực lượng chưa phải là tối ưu nhất, kết quả bị loại sớm là điều đã được dự báo. Vấn đề còn lại là bóng đá Việt Nam được gì sau khi tham dự giải đấu mang tính “đại hội” này?

Lật lại vấn đề tầm nhìn, chỉ xét ở góc độ cọ xát, thử nghiệm, bóng đá Việt Nam đã thất bại. Những cầu thủ trẻ ở Olympic lẫn tuyển nữ vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Không chỉ thiếu bản lĩnh, các yếu tố chuyên môn lẫn thể lực cũng lộ rõ thiếu hụt từ nền tảng. Những bàn thua ở đầu hiệp hay cuối hiệp của Olympic qua 3 trận hay sự sụp đổ toàn hệ thống của tuyển nữ Việt Nam những phút cuối với tuyển nữ Nhật Bản chỉ ra hàng tá vấn đề mà bóng đá Việt Nam cần giải quyết: hệ thống đào tạo, hệ thống giải đấu, chế độ dinh dưỡng, y học thể thao, chiến lược cải thiện tầm vóc, thể lực, trí tuệ… Trong ngồn ngộn những cái “cần” và “đủ” này, có cái nằm trong khả năng lo liệu của CLB, học viện, VFF, VPF, có cái thuộc về cấp độ của quốc gia.

Bóng đá Việt Nam ở hai hệ đội tuyển nam nữ hiện nay đang có xu hướng đi theo “con đường dẫn đến thành công” của bóng đá Nhật Bản. Điều đó rất hợp lý, nhất là về thể trạng. Nhìn lực lượng trẻ tuyển nữ Nhật Bản “quần” các đàn chị ở tuyển nữ Việt Nam “ra bã” như thế, ai không thích “học” theo!. Ấy nhưng đâu dễ. Bóng đá Nhật Bản có cả một quá trình chuyển hóa, là cả một hành trình dài nâng tầm nhân học lẫn thể thao cấp quốc gia nói chung, chứ không riêng gì bóng đá. Nhìn chung, chúng ta có “học”, nhưng không đến nơi đến chốn, thậm chí còn “đốt cháy giai đoạn” và bỏ qua những gì “vỡ lòng” nhất.

Cay đắng nhìn các đội bóng nam Thái Lan, Indonesia, Myanmar có thêm trải nghiệm ở ASIAD hay các tuyển nữ “đối trọng” ở khu vực như Thái Lan, Philippines tiến sâu, bóng đá Việt Nam không nên lấy đó làm buồn, mà phải lấy đó làm thước đo để biết mình ở đâu, thực lực đến đâu. HLV Mai Đức Chung thừa nhận, các học trò của mình “tưởng” mình lọt vào đến vòng chung kết World là đã “ngon”, đã “tỏ ra chủ quan”. Vị HLV “già nhất” World Cup 2023 cũng thừa nhận, các trận đấu giải lẫn giao hữu dày đặc khiến các học trò quá tải… Đó cũng chính là vấn đề mà bóng đá Việt Nam cần giải quyết, cần đến sự trợ giúp của cái gọi là bộ phận tâm lý thể thao, khoa học thể thao… hiện vẫn đang ít được quan tâm.

Trong thế giới hiện đại, độ ngắn độ dài của quãng đường không còn ước lượng bằng sải chân của con người như thời nguyên thủy, mà đo bằng những gì con người có thể phát minh, tựa như “tàu siêu tốc”, “tàu con thoi”,… và tiến tới mà không bị mất thăng bằng.

T.S