Báo Công An Đà Nẵng

Bóng đen nghe lén

Thứ bảy, 26/10/2013 12:37

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) bị phủ bóng đen bởi vụ bê bối nghe lén của Mỹ nhằm vào hai ông lớn Pháp và Đức.

Ban đầu, chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh EU chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế và tị nạn, song gần như sau đó bị chi phối bởi vụ bê bối Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại ở Pháp và thậm chí là của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Vì thế, trong ngày 25-10, các nhà lãnh đạo 28 quốc gia nhất trí ra tuyên bố đề cập quan hệ giữa khối này với Mỹ sau khi những thông tin rò rỉ về hoạt động do thám của Mỹ làm khuấy động dư luận. Tuyên bố của hội nghị nêu rõ: “... nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước nhấn mạnh việc thu thập tình báo là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều này tác động đến quan hệ trong nội bộ các nước Châu Âu cũng như trong quan hệ với Mỹ. Sự thiếu lòng tin có thể gây phương hại sự hợp tác cần thiết trong lĩnh vực thu thập tin tình báo”.

Phá vỡ niềm tin của EU

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Châu Âu đang chứng tỏ sự đoàn kết khi cùng giận dữ lên án Mỹ, cuộc tranh cãi ngày càng leo thang phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh của EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande nói nhiều
về bê bối nghe lén tại Hội nghị Thượng đỉnh EU. Ảnh: AP

AP dẫn phát biểu tại hội nghị của Thủ tướng Merkel – nạn nhân của NSA – cho rằng, vụ bê bối thực sự phá vỡ niềm tin EU dành cho chính quyền Obama và làm suy yếu các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn rất quan trọng. “Chúng tôi cần sự tin tưởng giữa các đồng minh cùng các đối tác và lòng tin đó cần được tái thiết lập”, bà Merkel nói với các phóng viên ở Brussels. “Nhưng một liên minh như vậy chỉ có thể được phát triển trên nền tảng tin tưởng. Đó là lý do tại sao tôi nhắc lại một lần nữa, do thám bạn bè là không thể được”, Thủ tướng Đức khẳng định.

Sau đó, bà Merkel có cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande, thảo luận về “cách phối hợp phản ứng” về vụ nghe lén này. Tại Brussels, Thủ tướng Italia Enrico Letta tuyên bố: “Chúng tôi muốn sự thật” còn lãnh đạo các nước khác như Bỉ, Phần Lan, Malta... khẳng định, Washington cần đưa ra lời giải thích và Châu Âu cần có một lập trường chung để bảo vệ công dân.

Mỹ rõ ràng đang sa lầy vào vũng bùn ngoại giao nguy hiểm, song mọi việc còn phức tạp hơn nhiều khi tờ Guardian của Anh hôm 25-10 dẫn tài liệu mật do cựu tình báo Edward Snowden cung cấp cho biết, NSA có thể theo dõi thông tin liên lạc 35 nhà lãnh đạo thế giới trong năm 2006. Việc theo dõi diễn ra sau khi được giới chức Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp số điện thoại. Theo tài liệu, việc theo dõi không được tiến hành riêng rẽ mà theo định kỳ.

Nhấn chìm thỏa thuận FTA và cuộc chiến chống khủng bố

Nghi án nghe lén xảy ra đúng giai đoạn nhạy cảm khi EU-Mỹ đang trong tiến trình thảo luận nhằm tiến đến Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Vụ việc có thể đe dọa phá hỏng thỏa thuận mậu dịch mang tính lịch sử này.

Châu Âu từng gọi dự án đối tác xuyên Thái Bình Dương nêu trên là cơ hội “trăm năm có một” và là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Việc đạt được FTA giữa EU và Mỹ sẽ giúp hạ thấp hàng rào thuế quan cho các sản phẩm từ Châu Âu vào Mỹ, mở ra những thị trường mới, đồng thời giúp tạo ra hàng nghìn việc làm cho cả hai phía.

Cuộc đàm phán đầu tiên về FTA diễn ra hồi tháng 7 và cuộc gặp tiếp theo dự kiến được tiến hành trong tháng 10 tới, song bị hủy do tình trạng bế tắc ngân sách ở Mỹ. Theo kế hoạch, hai bên sẽ ngồi lại với nhau vào tháng 12 tới song vẫn chưa có thông báo về thời điểm cụ thể. Theo giới chuyên gia, cả hai có thể sẽ hoãn phiên hội đàm này vì đã không còn niềm tin vào nhau. Chắc chắn, EU không thể ký kết FTA với quốc gia xâm phạm quyền tự do công dân của họ. Như thế, một thỏa thuận lịch sử FTA là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh trên, các nhà lãnh đạo EU cũng khẳng định, sự mất lòng tin với Mỹ sẽ đe dọa cuộc chiến chống khủng bố.

Một tương lai u ám đang chờ đợi Mỹ và EU.

Khả Anh