Báo Công An Đà Nẵng

Bóng ma ám ảnh

Thứ tư, 13/09/2017 09:24

Được biết đến là “Trái tim của Châu Âu”, Brussels dễ dàng nắm bắt được trái tim của những người mới đến với hàng ngàn héc-ta không gian xanh và những tòa nhà kiểu tân cổ điển.

Tuy nhiên, hình ảnh những binh sĩ được vũ trang canh gác tại các công viên, nhà ga và các khu du lịch ngay lập tức đưa họ trở lại thực tế - thành phố này đã bị tấn công khủng bố 2 lần trong năm nay và đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đau đớn hơn, những gì xảy ra ở Brussels là hiện tượng của toàn Châu Âu. Giống như một con ma, mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố đang ám ảnh người Châu Âu không ngừng. Bị đe dọa bởi mối nguy này, Châu Âu đang nhanh chóng trôi dạt khỏi vùng đất yên bình.

Bất chấp các biện pháp chống khủng bố do các chính phủ Châu Âu và Liên minh Châu Âu (EU), số lượng và tần suất các cuộc tấn công khủng bố đang gia tăng đều đặn. Tính đến cuối tháng 8, toàn bộ lục địa già chứng kiến ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố, khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương ở Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Tấn công khủng bố dường như đã trở thành vấn đề thường xuyên của Châu Âu.

Tại thời điểm này, cứ mỗi 4-6 tuần lại xảy ra một cuộc tấn công ở Châu Âu. Rồi sau mỗi lần trôi qua, mọi người đều tự nhủ rằng “điều gì đó sẽ xảy ra”. Không giống như các cuộc tấn công được tổ chức tinh vi như 11-9-2001 ở Mỹ, hoạt động khủng bố hiện nay gắn liền với các cuộc tấn công theo kiểu “những con sói đơn độc” và những cuộc tấn công có tổ chức.

Ngoài ra, các nghi phạm trong những vụ cuộc tấn công ở Barcelona và Phần Lan là những người dân bình thường, không có hồ sơ hình sự, khiến việc điều tra gặp nhiều khó khăn hơn. Và việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cũng như các công cụ hàng ngày khi phạm tội cũng khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện và ngăn chặn.

Trong khi đó, nhiều kẻ tình nghi tấn công khủng bố ở Châu Âu là con cháu của những người nhập cư bản địa. Trong một thời gian dài, các nước Châu Âu đã làm ngơ trước sự thật, công dân của họ đã bị kích động bởi chủ nghĩa cực đoan và gia nhập “Hồi giáo cực đoan” ở Trung Đông và các khu vực bị chiến tranh tàn phá khác. Khi các nhóm khủng bố như IS đang bị ảnh hưởng nặng nề ở Trung Đông, họ trở lại Châu Âu làm cư dân hợp pháp. Cảnh sát Châu Âu (Europol) ước tính, con số này là hơn 5.000 người và xem họ là mối quan tâm nghiêm trọng.

Vì sao Châu Âu ra nông nỗi này? Thứ nhất là do suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao trong những năm gần đây, vấn đề tồn tại từ lâu bắt nguồn từ sự hội nhập của người tị nạn vào Châu Âu. Thứ hai, nghịch lý vốn có của nền dân chủ phương Tây dẫn đến việc không bảo đảm đầy đủ lợi ích của các nhóm bị gạt ra ngoài lề. Các vụ tấn công khủng bố thường xuyên cũng một phần do xung đột văn hóa và tôn giáo giữa phương Tây và Trung Đông. Nhưng nói cho cùng, môi trường nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan không chỉ liên quan đến những vấn đề xã hội và kinh tế ở Châu Âu, mà còn do tình hình quốc tế.

THANH VĂN