Bóng ma bất ổn
(Cadn.com.vn) - Những vụ đánh bom tự sát và tấn công bằng súng của Taliban liên tiếp xảy ra ở Afghanistan đang làm sống lại những lo ngại về “bóng ma bất ổn Iraq” đang ám ảnh lên nước này, trong bối cảnh lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ rút khỏi quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2014.
Các cuộc tấn công chết người, mà mới nhất là vụ đánh bom tự sát nhằm vào một nhà hàng Lebanon ở Kabul trong bối cảnh Hiệp định An ninh song phương (BSA) gây tranh cãi giữa Kabul và Washington vẫn bế tắc, càng khiến người ta lo ngại hơn bao giờ hết.
Mỹ muốn có BSA để tiếp tục hiện diện quân sự tại Afghanistan và “trao giải thưởng” là sẽ đảm bảo an ninh cho Kabul sau năm 2014. Hội đồng trưởng lão quyền lực của Afghanistan (Loya Jirga) ủng hộ BSA, kêu gọi Tổng thống Karzai ký trước khi kết thúc năm 2013, nhưng ông Karzai bác bỏ yêu cầu, nói rằng, ông sẽ không ký BSA trừ khi Washington đáp ứng điều kiện của mình, vốn bị Nhà Trắng bác bỏ.
Người ta cho rằng, việc Tổng thống Karzai vẫn đang chần chừ là như muốn đá trái bóng trách nhiệm này cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử vào tháng 4 tới.
Với sự kết thúc sứ mệnh chiến đấu của lực lượng do NATO vào cuối năm 2014, hầu hết người dân Afghanistan tin rằng, 2014 sẽ là một năm rất quan trọng đối với đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Washington từng cảnh báo, việc không ký BSA sẽ dẫn đến cuộc nội chiến tại Afghanistan.
Nhà Trắng viện đến “lựa chọn zero”-phương án dẫn đến việc không còn lực lượng Mỹ nào hiện diện tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014 – như lời nhắc nhở rằng, nếu muốn vậy, người Afghanistan sẽ phải phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài.
Và những cảnh báo này đang dần trở thành sự thật. Một nhà phân tích Afghanistan nói rằng, sự thất bại của chính phủ Karzai trong việc ký BSA chắc chắn khuyến khích các chiến binh Taliban mở rộng các cuộc tấn công.“Người dân Afghanistan sẽ thấy các cuộc tấn công nguy hiểm hơn và tình hình Iraq sẽ được lặp đi lặp lại ở Afghanistan nếu không có BSA”, chuyên gia Ahmad Sayedi nói đề cập đến các vụ đánh bom tự sát hầu như hàng ngày ở Baghdad và các thành phố khác của Iraq kể từ khi các lực lượng Mỹ rút đi.
Rõ ràng, vụ tấn công ở vùng đất ngoại giao của Kabul mới nhất vừa qua cuối cùng làm giảm lòng tin của người dân về khả năng đảm bảo an toàn của các lực lượng an ninh quốc gia.
Thanh Văn