"Bóng ma chiến tranh" trên bán đảo Triều Tiên
(Cadn.com.vn) - Hàn Quốc đã có những màn đáp trả mạnh mẽ trước tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên, trong động thái mà giới chuyên gia lo sợ sẽ dẫn đến xung đột quân sự giữa hai quốc gia vốn vẫn ở trong tình trạng chiến tranh này.
Bán đảo Triều Tiên lại rơi vào “tầm ngắm” chiến tranh khi Hàn Quốc ngày 8-1 đã nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên bằng hệ thống loa phóng thanh và Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng biện pháp tương tự.
Seoul cũng mạnh mẽ tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công vào các hệ thống tuyên truyền, nâng cảnh báo an ninh mạng quốc phòng và hủy tour du lịch tại khu phi quân sự (DMZ) trên biên giới. Tuy nhiên, theo Reuters, quốc gia miền Nam khẳng định là chưa cân nhắc đến khả năng đóng cửa Khu công nghiệp chung Kaesong dù đã hạn chế số lượng người Hàn Quốc vào nơi này.
Binh sĩ Hàn Quốc bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống loa tuyên truyền chống phá Triều Tiên |
Hàn - Triều “ăn miếng trả miếng”
Chương trình tuyên truyền chống phá của Seoul được nối lại từ trưa 8-1 (giờ địa phương) tại khu vực biên giới được canh phòng nghiêm ngặt với Bình Nhưỡng.
Seoul đã mở hệ thống loa phóng thanh đặt tại 11 điểm dọc biên giới với thời gian phát thanh ngẫu nhiên cả ban ngày và ban đêm với thời lượng từ 2-6 tiếng/ngày. Lần cuối cùng Seoul triển khai hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền là để trả đũa vụ nổ mìn hồi tháng 8 khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương, vốn dẫn đến vụ đấu pháo giữa hai nước làm căng thẳng leo thang nghiêm trọng.
Triều Tiên xem các chương trình tuyên truyền chống phá này tương đương với hành động chiến tranh, và có thời điểm Bình Nhưỡng đã đáp trả bằng hỏa lực pháo binh. Lần này, để đáp trả, Triều Tiên bước đầu đã nối lại các buổi phát thanh chống Hàn Quốc tại một số đơn vị quân đội tiền tiêu và một số địa điểm dọc biên giới hai miền. Theo giới phân tích, các buổi phát thanh của Triều Tiên dường như là nhằm để binh sĩ nước này không thể nghe được thông tin tuyên truyền từ Hàn Quốc hơn là nhắm đến nước láng giềng. Vì thực tế, binh sĩ Hàn Quốc hiện không thể nghe được các buổi phát thanh của Triều Tiên do hệ thống loa phóng thanh Seoul có công suất mạnh gấp nhiều lần Bình Nhưỡng.
Nguy cơ xung đột hiện hữu khi theo Yonhap, Triều Tiên cũng tăng cường binh sĩ tại một số đơn vị tiền tiêu dọc biên giới trong khi Hàn Quốc nâng mức độ sẵn sàng chiến đấu đến mức cao nhất tại các địa điểm gần các loa phóng thanh.
Triều Tiên muốn có hiệp ước hòa bình?
Vụ thử nghiệm bom H mới nhất của Triều Tiên một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc liệu các cường quốc thế giới có thể làm gì để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong một thông tin gây bất ngờ, Reuters ngày 8-1 dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, Triều Tiên đang tìm kiếm một hiệp ước hòa bình với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc để chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Hàn-Triều trên thực tế vẫn còn trong tình trạng thù địch vì cuộc chiến liên Triều kết thúc bằng một hiệp định đình chiến - có chữ ký của Mỹ, LHQ, Triều Tiên và Trung Quốc - chứ không phải bằng hiệp ước hòa bình. Bình Nhưỡng hiện muốn cả 3 bên cùng với Hàn Quốc ký hiệp ước hòa bình, vì vậy họ sẽ không ngừng thử nghiệm hạt nhân cho đến khi đạt mục đích này. “Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân cho đến khi Trung –Mỹ muốn ký một hiệp ước hòa bình”, nguồn tin trên - vốn có các mối liên lạc ở Bình Nhưỡng và từng dự đoán chính xác vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 – nhấn mạnh.
Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố muốn một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, động thái mà Bình Nhưỡng xem là “sự an toàn cần thiết” cho những gì họ coi là ý đồ “thay đổi chế độ” ở Triều Tiên của Mỹ. Mỹ-Trung treo lơ lửng triển vọng dỡ bỏ lệnh cấm vận và khả năng tiến đến một hiệp ước hòa bình nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng Bình Nhưỡng tin rằng, Washington sẽ chỉ đàm phán nếu họ có thể chứng tỏ sức mạnh của mình thông qua vũ khí hạt nhân. Nguồn tin trên cho rằng, thông qua vụ thử mới nhất, Bình Nhưỡng muốn chuyển thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ và Trung Quốc, thúc giục hai ông lớn này ủng hộ cho một hiệp ước hòa bình chính thức.
“Trung Quốc không nên theo Mỹ”, nguồn tin cho biết, ám chỉ đến yêu cầu tiên quyết của Nhà Trắng rằng, Triều Tiên cần từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi nối lại bất kỳ cuộc đàm phán nào. “Không nhắc đến một hiệp ước hòa bình là một sai lầm chiến lược”, nguồn tin nhấn mạnh thêm. Bất chấp mối quan hệ đồng minh thân cận, Trung Quốc cũng phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên và ủng hộ biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh vẫn lưỡng lự trong khả năng có hành động cứng rắn hơn, chẳng hạn như đóng cửa hoàn toàn biên giới chung với Triều Tiên.
Khả Anh