Báo Công An Đà Nẵng

"Bóng ma" đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ năm, 21/07/2016 10:11

Kỳ 1: 4 cuộc đảo chính lớn

(Cadn.com.vn) - LTS: Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15-7, dù bất thành nhưng cũng đủ khiến quốc gia này chao đảo và hỗn loạn trong nhiều ngày qua. Vụ đảo chính lần này cũng cho thấy, bóng ma đảo chính vẫn chưa thôi ám ảnh chính phủ và người dân quốc gia Trung Đông này. Do hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép quân đội được can thiệp vào chính trị khi cần thiết nên nước này không ít lần chứng kiến những vụ đảo chính đẫm máu cùng với những hệ quả khôn lường sau đó. Từ năm 1960 đến 1997, Thổ Nhĩ Kỳ trải qua 4 cuộc đảo chính quy mô lớn, và chưa kể đến những âm mưu đảo chính bất thành. Để bạn đọc hiểu rõ hơn, Báo Công an TP Đà Nẵng gửi đến loạt bài về những trang bí sử đằng sau đời sống chính trị ở quốc gia Trung Đông này.

Tối 15-7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tiến hành một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có hành động can thiệp vào nền chính trị như vậy.  Kể từ năm 1960, quân đội tiến hành tổng cộng 4 cuộc đảo chính ở quốc gia này, gây ra hàng loạt những bất ổn trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Ngày 12-9-1980, xe tăng quân đội có mặt tại Quảng trường trung tâm Kizilay ở thủ đô Ankara, chỉ vài giờ sau đảo chính. Ảnh: AP

* Năm 1960

Cuộc đảo chính đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào ngày 27-5-1960. Chính quyền Ankara lúc đó vấp phải chỉ trích từ phía quân đội khi cho phép người dân hoạt động tôn giáo, mở hàng trăm nhà thờ và cho phép cầu nguyện bằng tiếng Arab. Điều này đi ngược lại những nguyên tắc khắt khe mà Tổng thống đầu tiên Mustafa Kemal Ataturk, một cựu sĩ quan quân đội đã sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đặt ra.

Khi tình hình căng thẳng trong nước lên cao, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của tướng Cemal Gursel tổ chức đảo chính lật đổ chính quyền với tuyên bố "đưa đất nước trở lại với nền dân chủ công bằng, trong sạch và vững chắc". Tổng thống Celal Bayar, Thủ tướng Adnan Menderes và các quan chức chính phủ khác bị bắt giữ và xét xử vì tội phản quốc. Thủ tướng Menderes sau đó bị treo cổ. Lãnh đạo cuộc đảo chính, tướng Gursel lên làm thủ tướng kiêm  tổng thống.

* Năm 1971

Ngày 12-3-1971, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lật đổ chính quyền. Cuộc đảo chính diễn ra sau khi Ankara rơi vào suy thoái, đồng nội tệ sụt giá nghiêm trọng, bạo lực trong nước gia tăng.

Cuộc đảo chính này được xem như "vụ đảo chính qua biên bản ghi nhớ" khi tướng quân đội Memduh Tagmac ra tối hậu thư cho Thủ tướng Suleyman Demirel, ép ông từ chức. Khác với vụ đảo chính năm 1960, lần này quân đội không nắm quyền lực mà thay vào đó giám sát hoạt động của nội các chính phủ.

* Năm 1980

Sau cuộc đảo chính năm 1971, bất ổn và khủng hoảng chính trị vẫn đeo bám Thổ Nhĩ Kỳ và không có dấu hiệu cải thiện. Vì vậy, vào ngày 12-9-1980, quân đội tuyên bố tiến hành đảo chính, nắm quyền kiểm soát, và ban hành thiết quân luật trên toàn quốc. Lần này, cuộc đảo chính giúp đất nước ổn định hơn nhưng làn sóng chỉ trích bùng nổ khi quân đội cũng bắt giam hàng ngàn người, hành quyết hàng chục người và tra tấn nhiều người khác. Kenan Evren, một trong những tướng lĩnh tổ chức đảo chính, trở thành tổng thống, trong khi nhân vật cấp cao của hải quân, Bulend Ulusu, trở thành thủ tướng.

* Năm 1997

Mặc dù không hẳn là một cuộc đảo chính, nhưng năm 1997, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một số yêu sách với chính phủ và chính phủ chỉ có lựa chọn "phải chấp nhận". Thủ tướng Necmettin Erbakan buộc phải từ chức. Một chính phủ lâm thời được lập ra, và quân đội cuối cùng tước quyền lực của đảng Phúc lợi cầm quyền vào năm 1998. "Cuộc đảo chính mềm" này thành công một phần nhờ quân đội bắt tay với giới doanh nhân, các cơ quan tư pháp, truyền thông. Cũng trong năm đó, ông Erdogan, lúc đó là thị trưởng Istanbul, bị bắt và bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm vì đã công khai đọc một bài thơ Hồi giáo.

Tuệ Khanh
(Theo USAToday)